Cập nhật thông tin chi tiết về Đổi Mới, Sắp Xếp Tổ Chức Bộ Máy: Cần Sự Quyết Tâm Của Cả Hệ Thống Chính Trị mới nhất trên website Theindochinaproject.com. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất.
Ngày 25/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả“ với mục tiêu chung là tổ chức lại bộ máy gọn hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội. Gắn tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên, góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Quán triệt tinh thần đó, ngày 09/4/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch số 81-KH/TU để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ. Trên cơ sở Kế hoạch của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, tổ chức, cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa thành những kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị và sau một năm thực hiện đã đạt những kết quả bước đầu khá quan trọng.
Nỗ lực giảm đầu mối, tinh gọn tổ chức bộ máy
Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là việc làm rất cấp thiết, nhưng cũng hết sức khó khăn, vì có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến việc làm, vị trí công tác, lợi ích của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Song, với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức bộ máy của nhiều đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị của tỉnh bước đầu tinh gọn hơn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đến nay, 6/6 cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy đã sắp xếp lại đầu mối trực thuộc, giảm 11 đầu mối; mỗi đơn vị đều giảm số lượng đầu mối bên trong ít hơn 01 đơn vị so với quy định tối đa của Trung ương, trong đó, 5/6 đơn vị giảm 02 đầu mối. Nhiều đơn vị có tỉ lệ giảm số đầu mối khá cao như Ban Dân vận Tỉnh ủy, giảm 50%; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng giảm 40%; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giảm 33%… Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, nhiều đơn vị cũng đã chủ động sắp xếp lại tổ chức bộ máy bên trong, trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Ngoại vụ, Thanh Tra tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội mỗi đơn vị giảm một đầu mối; UBND tỉnh cũng đã quyết định hợp nhất 04 ban chỉ đạo các chương trình trọng điểm của tỉnh thành một ban chỉ đạo.
Với tinh thần đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn gắn với đổi mới hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ngành đã và đang tổ chức, sắp xếp lại, như hợp nhất các trung tâm: Phòng chống HIV/AIDS, Y tế dự phòng, Phòng chống sốt rét – ký sinh trùng, Nội tiết, Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh; tổ chức lại ba trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thông tin Xúc tiến Du lịch, Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành Trung tâm Xúc tiến Đầu tư trực thuộc UBND tỉnh; sáp nhập Trung tâm Y tế và Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình thành một đầu mối; Trung tâm Điện ảnh và Trung tâm Văn hóa, thể thao thành một đầu mối; hợp nhất ban quản lý rừng ở các địa phương liền kề thành một ban quản lý rừng liên vùng; sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp với Trường Trung cấp nghề ở hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh… Sau khi tổ chức lại, toàn tỉnh giảm 14 đơn vị sự nghiệp thuộc các sở.
Cùng với thu gọn đầu mối bên trong, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị cũng được điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn với tinh thần một cơ quan, tổ chức làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; đồng thời, được phân cấp, ủy quyền hợp lý hơn. Điển hình như nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp và công tác tham mưu, giúp Thường trực Tỉnh ủy định kỳ tổ chức tiếp công dân trước đây Văn phòng Tỉnh ủy đảm nhận nay được giao Ban Nội chính Tỉnh ủy phụ trách; công tác văn phòng, phục vụ của các đơn vị thuộc Tỉnh ủy được tập trung về một đầu mối thuộc Văn phòng Tỉnh ủy; sắp xếp tổ chức bộ máy, chuyển giao nhiệm vụ, biên chế của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh về Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Bệnh viện Đa khoa tỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động; chuyển giao nhiệm vụ xây dựng hương ước từ cơ quan tư pháp và công chức tư pháp hộ tịch cấp xã sang cơ quan văn hóa và công chức phụ trách văn hóa – xã hội cấp xã…
Đẩy mạnh thí điểm mô hình mới, giảm biên chế, giảm vị trí lãnh đạo
Thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối là một trong những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đề ra đến năm 2021. Quán triệt tinh thần đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị, thành ủy phải tập trung lãnh đạo thực hiện, trước hết là đẩy mạnh thực hiện nhất quán chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và thí điểm trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện ở những nơi có điều kiện. Đến nay, toàn tỉnh có 8/8, đạt 100% địa phương bố trí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; 4/8, đạt 50% địa phương hoàn thành việc bố trí trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện.
Với tinh thần sắp xếp, tổ chức lại bộ máy gắn với tinh giản biên chế, giảm cấp trung gian, giảm cán bộ lãnh đạo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quy định theo hướng giảm 02 vị trí lãnh đạo cấp phó của các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cấp tỉnh, trừ Hội Cựu chiến binh, mỗi đơn vị giảm một cấp phó, đến nay số cấp phó của các đơn vị này giảm 05 vị trí, nâng số lãnh đạo cấp phó của các cơ quan khối Đảng, Mặt trận và đoàn thể cấp tỉnh giảm 07 vị trí. Đối với lãnh đạo cấp phòng cũng giảm đáng kể sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy, toàn tỉnh đã giảm 32 vị trí trưởng, phó phòng và tương đương, trong đó, các cơ quan khối Đảng giảm 28; khối Mặt trận và đoàn thể giảm 04; sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, toàn tỉnh giảm 12 biên chế hành chính, nâng tổng số biên chế hành chính giảm năm 2018 lên 33 biên chế; giảm 38 viên chức do sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, nâng tổng số biên chế sự nghiệp giảm trong năm 2018 lên 599, trong đó cấp tỉnh giảm 199, cấp huyện giảm 400.
Cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Sau gần một năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực, quan trọng bước đầu. Các cấp ủy đảng, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở đều quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản tổ chức triển khai thực hiện có trọng tâm và lộ trình thực hiện cụ thể. Hầu hết đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức đều nhận thức rõ tầm quan trọng và nhiệm vụ cấp thiết phải tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từng bước được thu gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế; một số nhiệm vụ được phân định lại rõ ràng hơn theo hướng giảm chồng chéo, trùng lắp. Nhiều địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt, có nơi vừa làm vừa nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện, cũng còn có nơi trông chờ hướng dẫn từ cấp trên, lo ngại xáo trộn nên chần chừ, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Việc sắp xếp tổ chức để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế là việc làm khó, dễ nảy sinh tư tưởng, tâm tư trong nội bộ… cần sự thận trọng, làm từng bước, có lộ trình, nhưng không vì thế mà chần chừ, trông chờ, làm ảnh hưởng tiến độ chung, sự quyết tâm của tỉnh, do đó rất cần sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Mỗi cấp ủy đảng, tổ chức, địa phương, đơn vị tiếp tục làm tốt công tác chính trị tư tưởng trong nội bộ, quán triệt đến mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, đúng đắn việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết, tất yếu khách quan đặt ra hiện nay; từ đó nêu cao tinh thần tự giác, tự nguyện, đặt lợi ích tập thể, tổ chức lên trên lợi ích cá nhân, nhất là với những người chịu tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Cùng với việc xây dựng kế hoạch, chương trình, đề ra giải pháp, nhiệm vụ hằng năm, theo lộ trình để sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, cần phải quyết liệt, nỗ lực trong triển khai thực hiện; sớm chuyển ý chí, quyết tâm của tổ chức, đơn vị, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu thành hành động cụ thể, thiết thực; thực hiện quyết liệt, đồng bộ những việc đã rõ, sớm hoàn thành những việc cần làm ngay, tạo tiền đề, cơ sở để thực hiện những việc theo lộ trình. Với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng hợp tác với tinh thần vì tập thể, tổ chức; cùng cộng đồng trách nhiệm trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân về một bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh nhà thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.
Những Vấn Đề Đặt Ra Trong Đổi Mới, Sắp Xếp Tổ Chức Bộ Máy Của Hệ Thống Chính Trị (Kỳ 1)
Sau khi có Nghị quyết 39-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI về tinh giản biên chế, nhất là Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các địa phương, đơn vị quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, nhiều địa phương chủ động thực hiện với các mô hình khác nhau, tinh gọn đầu mối cơ quan, đơn vị, vị trí công tác, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, biên chế cán bộ, công chức, viên chức.
Ða dạng các mô hình hợp nhất, sáp nhập
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, giảm các đầu mối, giảm số cán bộ lãnh đạo. Ðến nay, tỉnh đã thực hiện một số mô hình thí điểm là thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh; hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra cấp ủy với Thanh tra ở toàn bộ 14 đơn vị cấp huyện; hợp nhất Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ ở 13 trong số 14 đơn vị cấp huyện; hợp nhất Văn phòng Ðoàn đại biểu QH, Văn phòng HÐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành Văn phòng tham mưu, giúp việc chung; sắp xếp bảy chi cục thuế cấp huyện thành ba chi cục thuế trực thuộc Cục Thuế tỉnh; thành lập Trung tâm truyền thông, trên cơ sở hợp nhất báo Quảng Ninh, Ðài Phát thanh – Truyền hình Quảng Ninh, báo Hạ Long (thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh), Cổng Thông tin điện tử Quảng Ninh (thuộc Văn phòng UBND tỉnh)… Tỉnh Quảng Ninh đã giảm bốn đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương, tiết kiệm ngân sách hơn 300 tỷ đồng/năm do giảm khoảng hai mươi nghìn người hưởng lương, phụ cấp thường xuyên và không phải bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm trang, thiết bị làm việc, giảm gánh nặng cho ngân sách.
Từ những mô hình thí điểm của Quảng Ninh, khi triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, nhiều địa phương đã tham khảo và áp dụng theo lộ trình phù hợp. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế, triển khai thêm một số mô hình khác. Một số tỉnh đã hợp nhất Ðảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh thành Ðảng bộ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy; thành lập Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ hoạt động chung cấp ủy và các ban Ðảng của Tỉnh ủy. Tỉnh Lào Cai đã hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng, thành lập Sở Giao thông vận tải – Xây dựng. Tỉnh Hà Giang thống nhất chủ trương hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Ban Tổ chức – Nội vụ tỉnh; hợp nhất Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh thành Cơ quan Ủy ban Kiểm tra – Thanh tra tỉnh. Tỉnh Bạc Liêu đã hợp nhất Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông, thành lập Sở Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch; hợp nhất Sở Giáo dục và Ðào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ, thành lập Sở Giáo dục – Khoa học và Công nghệ. Tỉnh Cao Bằng đề xuất thêm mô hình hợp nhất: Sở Kế hoạch – Ðầu tư và Sở Tài chính thành Sở Tài chính – Kế hoạch, Sở Thông tin – Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Thông tin – Khoa học công nghệ. Tỉnh ủy Bắc Cạn đã thông qua đề án sáp nhập Ủy ban Kiểm tra và Thanh tra tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Báo Bắc Cạn và Ðài Phát thanh và Truyền hình Bắc Cạn. Tỉnh ủy Bến Tre xây dựng đề án, thí điểm hợp nhất Ban Tổ chức và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thành Ban Tuyên giáo – Tổ chức. Ðối với cấp huyện, Tỉnh ủy Bến Tre đề xuất thí điểm hợp nhất Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và bổ sung chức năng nội chính từ văn phòng cấp ủy chuyển sang, thành lập Ban Xây dựng Ðảng, bố trí đồng chí Phó Bí thư huyện ủy làm Trưởng ban. Tỉnh Vĩnh Phúc đã thí điểm sáp nhập Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và Trung tâm bồi dưỡng chính trị tại huyện Vĩnh Tường. Tỉnh Bình Phước có đề án hợp nhất báo Bình Phước với Ðài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước; hợp nhất Phòng Nội vụ với Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội; Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thể thao, Ðài Truyền thanh – Truyền hình và Nhà Thiếu nhi ở cấp huyện. Tỉnh An Giang đề xuất thêm các mô hình: hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Sở Thông tin – Truyền thông thành Ban Tuyên giáo – Thông tin và Truyền thông; hợp nhất Ban Tuyên giáo, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và Phòng Văn hóa – Thông tin cấp huyện thành Ban Tuyên giáo – Văn hóa – Thông tin…
Mới đây, Bộ Nội vụ có công văn yêu cầu các địa phương tạm dừng việc sắp xếp, sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, chờ hai nghị định mới, là Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (sở, ngành) và Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (phòng, ban). Việc tạm dừng, đợi các nghị định mới nhằm bảo đảm việc thực hiện thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên, dư luận các địa phương cho rằng, trong khi địa phương tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, mạnh dạn thí điểm các mô hình thì việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn làm chậm lại quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính, nhiều địa phương đề xuất và thí điểm bố trí đồng thời một cán bộ đảm nhận hai chức danh. Mô hình này tăng nhiệm vụ của người đứng đầu, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo các cấp. Ở cấp xã, nhiều nơi thực hiện mô hình Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch HÐND xã hoặc Chủ tịch UBND xã. Ở cấp huyện, nhiều tỉnh đã và đang triển khai các mô hình: Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị, Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra. Qua ba năm triển khai, đến nay Quảng Ninh đã có hai trong số 14 huyện và 76 trong số 186 xã có Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND; bảy trong số 14 huyện và 75 trong số 186 xã có Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HÐND. Tỉnh An Giang đã thực hiện Bí thư Thành ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên, Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Châu Phú. Tất cả 13 xã, thị trấn ở huyện Châu Phú đều có Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, thị trấn.
Bình Phước là địa phương mạnh dạn xây dựng phương án bố trí cán bộ lãnh đạo với hai chức danh ở các đơn vị cấp tỉnh. Ðồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch HÐND. Các đồng chí: Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra; Trưởng ban Nội chính đồng thời là Giám đốc Sở Tư pháp; Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ. Hiện nay, tỉnh Bình Phước là địa phương đầu tiên đã thực hiện mô hình Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đồng thời là Hiệu trưởng Trường Chính trị. Ðồng chí Trần Tuyết Minh là người được phân công đảm nhận hai nhiệm vụ này, chia sẻ: Do chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị có sự tương đồng, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của hai đơn vị có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Khi thực hiện đồng thời hai chức danh, việc đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tiếp nhận sự chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy được nhanh chóng, kịp thời.
Tỉnh ủy Bình Phước cũng định hướng, sẽ bố trí cán bộ hai chức danh đối với các đồng chí phó các ban đảng. Các đồng chí Phó ban Tuyên giáo sẽ đồng thời là Giám đốc Ðài Phát thanh và Truyền hình và báo Bình Phước, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Hai đồng chí Phó Trưởng ban Tổ chức sẽ đồng thời là Phó Giám đốc Sở Nội vụ. Hai đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra sẽ đồng thời là Phó Chánh thanh tra tỉnh.
Giảm số lượng cán bộ không chuyên trách
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, đến tháng 12-2016, cả nước có hơn 200 nghìn cán bộ không chuyên trách cấp xã, bình quân 18 người/xã; hơn 837 nghìn cán bộ không chuyên trách thôn, tổ dân phố, bình quân 6,2 người/thôn. Sắp xếp, tinh gọn đội ngũ cán bộ không chuyên trách, là yêu cầu cấp thiết của thực tế, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cán bộ không chuyên trách, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, là một trong các giải pháp, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Từ năm 2015, tỉnh Hà Giang đã thực hiện thí điểm nhất thể hóa các chức danh không chuyên trách ở xã, và thôn tại một số xã của các huyện Vị Xuyên, Xín Mần, Mèo Vạc. Từ kết quả thí điểm, Hà Giang quy định cấp xã có 15 đến 18 chức danh, chỉ bố trí từ tám đến 11 cán bộ không chuyên trách; cấp thôn có từ 10 đến 12 chức danh, bố trí từ năm đến bảy cán bộ không chuyên trách. Ðến nay, tỉnh Hà Giang còn 15.807 cán bộ không chuyên trách, giảm 11.824 người so với năm 2015. Mỗi năm, tỉnh tiết kiệm ngân sách hơn 18 tỷ đồng. Ðồng chí Nguyễn Trung Tài, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang khẳng định: Việc sắp xếp, tinh gọn đội ngũ cán bộ không chuyên trách trên phạm vi rộng là phức tạp. Tuy nhiên, với cách thực hiện dân chủ, linh hoạt, tỉnh Hà Giang đã thực hiện thành công. Chất lượng hoạt động, tinh thần trách nhiệm của cán bộ không chuyên trách nâng lên, công tác chỉ đạo của địa phương tập trung, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm.
Nhiều địa phương thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận; phó bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận. Tại Quảng Ninh, hiện đã có 1.536 trong số 1.565 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố (chiếm 98,15%). Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 2.016 trong số 2.115 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận (chiếm 95,31%). Tỉnh Vĩnh Phúc đã giảm 9.983 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố; trong đó cấp xã 1.761 người, cấp thôn 8.222 người. Tỉnh Hải Dương quy định cấp xã, thị trấn không bố trí quá 13 người hoạt động không chuyên trách, đảm nhiệm 21 chức danh; cấp phường bố trí 12 người…
Với nguyên tắc bố trí một chức danh “cứng” kiêm nhiệm một hoặc nhiều chức danh khác, một người đảm nhiệm nhiều việc, một số địa phương triển khai mô hình cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh cán bộ không chuyên trách. Thí dụ như Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HÐND xã, Phó Bí thư kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Ðảng ủy xã. Ở cơ sở, nhiều địa phương bố trí phó trưởng thôn kiêm công an viên, trưởng thôn/khu dân cư hoặc phó thôn/khu dân cư kiêm thôn đội trưởng, tổ trưởng bảo vệ hoặc nhân viên y tế… Các chức danh kiêm nhiệm đều bố trí cán bộ công chức xã đảm nhiệm trên cơ sở năng lực, sở trường của từng người, tùy tình hình thực tế địa phương mà số lượng cán bộ không chuyên trách khác nhau. Chế độ lương tăng thêm cho cán bộ kiêm nhiệm các địa phương cũng có quy định khác nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, việc bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, thôn, bản, khu phố hiện đang gặp khó khăn, chủ yếu là do thiếu nguồn cán bộ. Yêu cầu đối với cán bộ mô hình này là có năng lực, đồng thời có uy tín cao trong cộng đồng dân cư mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Việc bố trí các chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm có yêu cầu chuyên môn khác nhau cũng tạo ra những khó khăn cho cơ sở. Thực tế tại một số địa phương cho thấy, đội ngũ cán bộ này thường xuyên biến động, do làm một thời gian không đáp ứng yêu cầu công việc, do thu nhập thấp, cán bộ xin nghỉ. Tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, số tiền dành giải quyết chế độ cho cán bộ không chuyên trách nghỉ việc của một xã lên tới 100 triệu đồng/năm.
Một Số Giải Pháp Góp Phần Sắp Xếp Tổ Chức Bộ Máy Của Hệ Thống Chính Trị Hiện Nay
Theo đó, những năm qua, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống chính trị cơ bản ổn định, phù hợp với Cương lĩnh và Hiến pháp; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp… Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Từ đó, việc sắp xếp lại để tinh gọn bộ máy là việc làm khẩn thiết, nhưng thực tế đang đặt ra những tình huống có vấn đề như: sắp xếp tinh gọn đầu mối thì một số phòng, ban, đơn vị phải giải thể, số cán bộ lãnh đạo, quản lý các đầu mối sẽ dôi dư, trong đó đa phần cán bộ đều đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định cấp có thẩm quyền, một số không đủ tiêu chuẩn lại là những “cán bộ công thần” những cán bộ này thuộc lứa đàn anh, đàn chị đã có công cống hiến cho cơ quan và dìu dắt những cán bộ trẻ mà hiện đủ tiêu chuẩn. Về lý, họ thiếu tiêu chuẩn, tức không được đưa vào vị trí lãnh đạo quản lý chủ chốt khi sắp xếp lại bộ máy, nhưng về tình họ dư kinh nghiệm và có công lớn trong đóng góp cho vị thế của cơ quan đơn vị nói chung, do vậy họ xứng đáng. Nhưng xã hội càng phát triển, trình độ dân trí ngày càng cao, đòi hỏi tiêu chuẩn của cán bộ quản lý cũng phải cao tương ứng đúng quy chuẩn. Công của những cán bộ đó cần được vinh danh và ghi nhận, nhưng vì cấp có thẩm quyền đã ban hành quy chuẩn, nếu đưa họ vào chỉ vì có công cống hiến xưa nay thì sai quy định cấp trên. Một mặt, vì “nể tình” mà những cán bộ lâu năm vẫn được đưa vào “bầu” vào chức vụ mới (dù họ thiếu tiêu chuẩn), mặt khác, những cán bộ cống hiến lâu năm có mối quan hệ tốt với nhiều người, và không loại trừ ở một số cơ quan có cả người thân (vợ chồng của nhau, bố mẹ con cái của nhau…) trong cùng cơ quan và nắm giữ nhiều vị trí trong cơ quan và có khi ngồi chung một hội đồng chủ chốt, thậm chí vì lý do gì đó mà xã hội hiện gọi là “lợi ích nhóm” nên vẫn được đưa vào danh sách bổ nhiệm lại. Hình thức dân chủ khác rất xa với dân chủ hình thức, việc tổ chức không đúng bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm trong hội nghị cán bộ chủ chốt trong khi trong hội đồng đó những ứng viên không đủ tiêu chuẩn nhưng vì thành viên hội đồng là “người nhà” là “cùng phe” nên họ “nghiễm nhiên” có được ít nhất 50% số phiếu, tưởng rằng lấy phiếu tín nhiệm là dân chủ nhưng “chưa lấy” cũng biết chắc ai đậu, ai rớt. Điều này vô hình chung triệt tiêu động lực của những nguời đủ thậm chí dư tiêu chuẩn, và, nghiêm trọng hơn để lại dư luận không tốt trong nội bộ của các cơ quan đơn vị. Hai năm qua tính từ Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đến nay đã có hơn 60 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý trong đó có những sai phạm thuộc về công tác cán bộ, mà nguyên nhân “chỉ vì hậu duệ, đồ đệ, quan hệ, tiền tệ” được ưu tiên hơn “trí tuệ”. Cho nên, thời gian tới cần chủ động ngăn ngừa “lợi ích nhóm” trong sắp xếp tổ chức bộ máy theo đó cần thực hiện các giải pháp sau: Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị – xã hội và quyền làm chủ của nhân dân; và nhất là sự vào cuộc của các cơ quan kiểm tra, giám sát, cần bám sát các văn kiện của Đảng, các quy định của cấp có thẩm quyền trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan đơn vị; đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tinh gọn bộ máy nhưng đảm bảo chất lượng đội ngũ nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý. Hai là, giữ vững các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nghiêm túc thực hiện quy định của cấp trên nhất là bộ quy chuẩn, kiên quyết không cho nợ “tiêu chuẩn” còn nếu vì lý do gì đó thì làm đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng đến 2021 mới tiến hành sắp xếp lại, từ đây đến đó yêu cầu cán bộ đủ kinh nghiệm, công thần tham gia học tập nâng cao trình độ, đủ chuẩn sẽ tiến hành sắp xếp. Phát huy tính dân chủ trong từng cấp, từng ngành, từng địa phương; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu, nhằm tránh rơi vào “lợi ích nhóm”. Ba là, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có đức, có tài; bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp. Nghĩa là, với những cán bộ kinh nghiệm, có công lớn với cơ quan đơn vị những chức danh sắp xếp lại không đủ tiêu chuẩn thì bố trí họ chức danh tương đương mà họ đủ tiêu chuẩn. Bốn là, có sự vào cuộc của cả hệ thống với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Lãnh đạo tập trung, thống nhất; nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp. Năm là, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, không để các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ. Với niềm tin lớn vào các Nghị quyết Trung ương, các văn bản quy định của các cấp tỉnh ủy, thành ủy, sự công tâm, khách quan của các ủy ban kiểm tra… cũng như tinh thần dân chủ, công bằng, nghiêm minh của các cấp ủy Đảng, những cán bộ đứng đầu và sự quyết tâm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, hy vọng các cơ quan đơn vị sẽ thực hiện hiệu quả những nội dung của Nghị quyết và tránh được “lợi ích nhóm” trong sắp xếp tổ chức bộ máy.
TS. Ngô Hoàng Anh (Trường Chính trị tỉnh Kon Tum)
Đổi Mới, Sắp Xếp Tổ Chức Bộ Máy Hành Chính Nhà Nước Tinh Gọn, Hoạt Động Hiệu Lực, Hiệu Quả
18/07/2019 13:52 PM
“Thực hiện các chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội. Theo đó, có nhiệm vụ, giải pháp “chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm”; “khẩn trương sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, theo lĩnh vực và nhu cầu thị trường, xã hội”. Căn cứ nội dung trên, trân trọng đề nghị Đồng chí Bộ trưởng cho biết Bộ hiện nay có bao nhiêu đơn vị sự nghiệp công lập với bao nhiêu biên chế trực thuộc (phụ lục kèm theo). Kế hoạch sắp xếp và chuyển giao các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn tới của Bộ”.
Ngoài các nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công nêu trên, các nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.
Theo Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng và Quyết định số 555/QĐ-TTg ngày 18/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ có 40 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Đến năm 2015, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận thêm 2 Trường Trung cấp nghề chuyển về từ doanh nghiệp trực thuộc Bộ khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, thành 42 đơn vị sự nghiệp.
Bộ Xây dựng đã đề xuất và được Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng và Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 02/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng. Hiện nay, Bộ có 37 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, giảm 5 đơn vị so với năm 2015 (gồm: 6 Viện nghiên cứu; 4 Trường đại học; 1 Học viện; 11 Trường cao đẳng; 4 Trường trung cấp; 4 đơn vị thuộc lĩnh vực báo, tạp chí, thông tin, xuất bản; 2 Bệnh viện và 4 Trung tâm Điều dưỡng – Phục hồi chức năng; 1 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành).
Số lượng người làm việc (biên chế viên chức) tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên của Bộ Xây dựng năm 2019 là 4.186 người (theo Quyết định số 2722/QĐ-BNV ngày 28/12/2018 của Bộ Nội vụ).
Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó quy định đến năm 2021 bình quân giảm ít nhất 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, bình quân giảm 10% số lượng đầu mối trực thuộc các đơn vị và giảm tối thiểu 10% số lượng người làm việc so với năm 2015.
Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, thực hiện giảm mạnh đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Kết quả đến năm 2019, Bộ đã rà soát sắp xếp lại để giảm số lượng đầu mối cấp phòng, trung tâm và tương đương trực thuộc đơn vị sự nghiệp với kết quả giảm 74 đầu mối trong 532 đầu mối, tương ứng giảm 13,9%. Số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên là 4.186 người, giảm 338 người so với năm 2015 (4.524 người), tương ứng giảm 7,4%; dự kiến đến năm 2021, số lượng người làm việc còn 4.012 người, giảm 11,3% so với năm 2015.
Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Đề án tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.
Trong quá trình thực hiện Đề án tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp, tổ chức lại các đơn vị hoạt động không hiệu quả. Định hướng sau năm 2030, Bộ Xây dựng có 100% số lượng đơn vị tự chủ chi thường xuyên. Trong đó: 02 đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ; 06 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, hạch toán tài chính như doanh nghiệp; các đơn vị khác tự đảm bảo chi thường xuyên.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ sẽ triển khai đồng bộ việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng trân trọng cảm ơn sự quan tâm của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh và Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc đối với ngành Xây dựng và mong tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của đại biểu trong thời gian tới.
Ánh Dương
4,855
Bạn đang xem bài viết Đổi Mới, Sắp Xếp Tổ Chức Bộ Máy: Cần Sự Quyết Tâm Của Cả Hệ Thống Chính Trị trên website Theindochinaproject.com. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!