(AGO) – Sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm 1 sản phụ tử vong, thai nhi trong bụng mẹ văng ra và bị đứt lìa chân, còn người chồng bị xe cán nát phần chân phải ở gần cầu Rạch Gòi Bé (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên), Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Trần Anh Thư, kiêm Trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố chủ trì cuộc họp bàn biện pháp đảm bảo trật tự ATGT phục vụ thi công các cầu trên tuyến Quốc lộ 91.
Khu vực phân luồng trên cầu khá hẹp, đông xe lưu thông
Ngay sau đó, nhiều đơn vị thi công đã phát biểu hàng loạt ý kiến, xoay xung quanh vấn đề “lực bất tòng tâm” khi điều tiết, phân luồng giao thông. Một nhà thầu phân tích: “Điểm chung cả hai vụ tai nạn đều diễn ra tại đường vào điểm đầu phân luồng thi công. Khi xe ôtô tăng ga lên cầu, họ tạo thành nút thắt cổ chai và có một số kẽ hở. Nhiều người điều khiển xe môtô thiếu ý thức nên “tranh thủ” chen vào. Đây là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn khả năng xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Không chỉ vậy, một số người dân còn gây khó khăn cho công việc của đơn vị thi công. Họ thường xuyên xé pa-nô tuyên truyền, bứt đứt dây phân cách, ném đá vào khu vực đang thi công. Khi công nhân làm nhiệm vụ điều tiết yêu cầu người dân chạy theo phân luồng thì có một số không chấp hành, thậm chí lao xe vào người công nhân, đánh họ đến mức công nhân sợ, năn nỉ nhà thi công đừng phân công họ làm nhiệm vụ nữa. Đặc biệt, ở những khu vực có nhà máy sản xuất, với cả ngàn công nhân thì việc điều tiết giao thông khi tan ca là một vấn đề không nhỏ”.
7 cầu trên Quốc lộ 91 thuộc địa bàn TP. Long Xuyên (từ cầu Cái Sắn nhỏ đến cầu Cái Sơn) hướng Vàm Cống – Châu Đốc được khởi công xây dựng ngày 1-8-2014, với tổng kinh phí trên 174 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay JICA (Nhật Bản), nằm trong Dự án tín dụng ngành Giao thông – Vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần 2.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hà, Trưởng Công an TP. Long Xuyên cho rằng: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ phương tiện, lực lượng bất cứ lúc nào có vấn đề tại các khu vực thi công cầu. Vấn đề khó khăn trong điều tiết, phân luồng giao thông như nhà thầu phát biểu chỉ mới được thông tin ngay trong cuộc họp, còn trước đó chúng tôi không nhận được ý kiến nào. Điều này cho thấy, sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa ngành Công an và đơn vị thi công chưa tốt”.
Bản thân các đơn vị thi công phạm phải nhiều sai sót: Không nghiêm túc, chặt chẽ trong việc điều tiết, phân luồng (chỉ bố trí lực lượng thường xuyên sau vụ tai nạn thứ nhất); vị trí bố trí và thời gian bố trí không phù hợp; người đảm nhận việc điều tiết vẫn chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm khi thi thoảng bỏ vị trí đi uống cà phê, chơi game… Bản thân họ lại không có thẩm quyền xử lý phương tiện, cá nhân vi phạm nên việc điều tiết không hiệu quả”.
Để giải quyết tốt tình trạng này, nhiều ý kiến trong cuộc họp được đưa ra và đồng chí Trần Anh Thư cũng nhấn mạnh: Cần thay đổi tư duy về trách nhiệm đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm cầu đang thi công, phải xem đó là trách nhiệm chung của các đơn vị, ngành chức năng chứ không của riêng ai. Bên cạnh đó, UBND các phường cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, việc điều tiết phân luồng. Về phía ngành chức năng, cần xem 7 cầu trên là 7 “điểm đen” về tai nạn giao thông để có hướng xử lý phù hợp theo quy định; nhanh chóng gắn biển báo hạn chế tốc độ tại các đầu cầu; bố trí trạm điều tiết, kiểm soát và xử lý việc vi phạm về tốc độ, chở quá tải…
Khi 7 cây cầu trên tuyến Quốc lộ 91 ở TP. Long Xuyên đồng loạt thi công, ngành chức năng đã dự đoán trước tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) tại khu vực sẽ diễn biến phức tạp, bởi hàng loạt sự kiện, ngày lễ lớn “đến hẹn lại lên”, mật độ giao thông đi vào cửa ngõ TP. Long Xuyên ngày càng cao. Nhưng phức tạp đến mức, chỉ sau 3 tháng thi công, đã có 2 người chết, 3 người bị thương thì chẳng ai dám nghĩ đến!
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG