Kích thích buồng trứng là một khâu vô cùng quan trọng trong điều trị hiếm muộn. Dù bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật nào đi nữa, kích thích buồng trứng cũng làm tăng khả năng có thai so với không kích thích.
Có 3 chỉ định chính của kích thích buồng trứng:
1. Tạo ra trứng rụng
Đa số tài liệu chuyên môn không gọi chỉ định này là kích thích buồng trứng (ovarian stimulation) mà gọi là gây rụng trứng (ovulation induction). Tuy nhiên để tránh phức tạp về thuật ngữ, chúng tôi tạm xếp chỉ định này vào nhóm kích thích buồng trứng.
Một số bệnh nhân hiếm muộn là do rối loạn rụng trứng như trong hội chứng buồng trứng đa nang hoặc hoàn toàn không có rụng trứng trong suy buồng trứng do nguyên nhân bất thường hoạt động nội tiết của hệ thần kinh trung ương. Trong trường hợp những yếu tố khác bình thường (tinh trùng bình thường, 2 vòi trứng thông và hoạt động tốt, nội mạc tử cung bình thường,…), những bệnh nhân này có thể dễ dàng được điều trị cho có con bằng cách kích thích buồng trứng và làm cho trứng rụng, kết hợp với quan hệ tự nhiên hoặc bơm tinh trùng vào buồng tử cung.
2. Tăng số trứng rụng trong chu kỳ bơm tinh trùng vào buồng tử cung
Với một người có chu kỳ kinh đều, mỗi tháng sẽ có 1 trứng rụng để thụ tinh với 1 tinh trùng tạo thành phôi. Khi điều trị hiếm muộn bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung, nhiều nghiên cứu đã cho thấy dù nguyên nhân không nằm ở chỗ rụng trứng, nhưng nếu kích thích buồng trứng để có được nhiều trứng rụng hơn (trung bình cần 2-3 trứng rụng trong 1 chu kỳ kích thích buồng trứng kết hợp bơm tinh trùng vào buồng tử cung) sẽ làm tăng cơ hội có thai cho bệnh nhân lên gấp 2 đến 3 lần so với trường hợp không kích thích. Ngoài ra, một số quan điểm cho rằng kích thích buồng trứng còn có thể cải thiện chất lượng rụng trứng.
3. Tăng số trứng chọc hút được trong chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm
Năm 1978, trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên trên thế giới thành công sau khi chuyển 1 phôi từ 1 trứng duy nhất chọc hút được từ chu kỳ tự nhiên không kích thích. Tuy nhiên, những lần thụ tinh trong ống nghiệm sau được lặp lại với chu kỳ tự nhiên cho kết quả thành công rất thấp, bởi lẽ với 1 trứng duy nhất, nếu thụ tinh không xảy ra hoặc xảy ra thụ tinh nhưng phôi ngưng phát triển do chất lượng trứng kém, bệnh nhân sẽ không có phôi để chuyển. Còn trong trường hợp có 1 phôi để chuyển, tỉ lệ có thai của bệnh nhân cũng chỉ dao động quanh con số từ 10 đến 15% – một tỉ lệ rất thấp so với mong ước có con của những bệnh nhân hiếm muộn cũng như so với chi phí và thời gian mà bệnh nhân bỏ ra để điều trị cho một chu kỳ.
Vì lẽ đó, để nâng khả năng thành công trong thụ tinh trong ống nghiệm, cần kích thích buồng trứng để tạo ra nhiều nang trứng hơn, từ đó tăng số trứng chọc hút được trong một chu kỳ điều trị, tăng số trứng có chất lượng tốt, tăng số phôi tạo thành và số phôi tốt để chuyển, dẫn đến tăng tỉ lệ có thai. Số trứng mong đợi thu được từ kích thích buồng trứng trong thụ tinhtrong ống nghiệm là từ 10-12 trứng. Đối với những trường hợp xin – cho trứng, việc kích thích buồng trứng càng trở nên quan trọng hơn nhằm tăng tỉ lệ thành công và hạn chế việc người cho trứng bị gây mê và chọc hút trứng nhiều lần.
Những nguy cơ xảy ra do thuốc bao gồm dị ứng thuốc, bị tác dụng phụ của thuốc như đau sưng tại vị trí tiêm, sốt nhẹ dưới 380C, rối loạn tiêu hóa, nhức đầu nhẹ,… Những nguy cơ này thường nhẹ, hiếm xảy ra và có thể giải quyết dễ dàng bằng cách đổi thuốc khác.
Những bệnh nhân có bệnh lý gan nặng, suy gan hoặc tiền căn thuyên tắc mạch ở chi, ở phổi,… cần thông báo với bác sĩ điều trị trước khi tiến hành kích thích buồng trứng. Bởi lẽ, kích thích buồng trứng sẽ tạo nhiều nang noãn phát triển, làm tăng tiết nhiều estrogen. Estrogen trong máu tăng cao có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng mạch và tăng hủy hoại tế bào gan khiến bệnh lý gan nặng hơn.
Nếu có khối u vú hoặc khối u buồng trứng chưa rõ bản chất lành hay ác tính, bệnh nhân cũng cần thông báo với bác sĩ điều trị trước khi tiến hành kích thích buồng trứng, vì các thuốc kích thích buồng trứng nếu sử dụng trong thời gian dài nhiều chu kỳ có thể làm tăng nguy cơ ác tính của khối u.
Những nguy cơ do đáp ứng buồng trứng gây ra chủ yếu là biến chứng quá kích buồng trứng. Đây là một biến chứng có thể phòng ngừa và điều trị được, đa phần là nhẹ và không cần nhập viện nếu có sự hợp tác tốt giữa bệnh nhân với bác sĩ. Quá kích buồng trứng nặng chỉ xảy ra khoảng 2% các chu kỳ kích thích buồng trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm. Trước khi kích thích cũng như trong quá trình kích thích buồng trứng, bác sĩ cần tư vấn rõ cho bệnh nhân về nguy cơ quá kích buồng trứng, đồng thời dặn dò những triệu chứng của quá kích buồng trứng cũng như những biện pháp giúp giảm triệu chứng quá kích mà bệnh nhân cần thực hiện. Trong trường hợp quá kích buồng trứng nặng, bệnh nhân sẽ được nhập viện điều trị và theo dõi sát.
Một nguy cơ khác khi kích thích buồng trứng là có thể xảy ra đa thai do nhiều trứng thụ tinh với tinh trùng hoặc do chuyển nhiều phôi vào buồng tử cung. Tỉ lệ đa thai trong bơm tinh trùng vào buồng tử cung khá thấp, còn trong thụ tinh trong ống nghiệm chiếm khoảng 20%. Hiện đã có kỹ thuật giảm thai giúp giảm bớt số thai nhằm giảm tỉ lệ sinh non và các biến chứng khác của đa thai.
(Quay lại trang trước)