Top 13 # Chức Năng Của Quân Chủng Phòng Không Không Quân Xem Nhiều Nhất, Mới Nhất 6/2023 # Top Trend | Theindochinaproject.com

Tổ Chức Hoạt Động Của Quân Chủng Phòng Không

Quân chủng Phòng không – Không quân đảm nhiệm cả nhiệm vụ của bộ đội phòng không quốc gia và của không quân.

Quân chủng Phòng không – Không quân là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ vùng trời, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm quốc gia, bảo vệ nhân dân đồng thời tham gia bảo vệ các vùng biển đảo của Tổ quốc. Lực lượng Phòng không – Không quân có thể độc lập thực hiện nhiệm vụ hoặc tham gia tác chiến trong đội hình quân binh chủng hợp thành. Quân chủng làm tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng lực lượng phòng không lục quân và không quân thuộc các quân chủng, binh chủng, ngành khác. Lực lượng không quân vận tải ngoài nhiệm vụ vận chuyển phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu còn tham gia các hoạt động cứu trợ thiên tai và phát triển kinh tế.

Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Quân chủng Phòng không – Không quân được tổ chức thành Bộ tư lệnh Quân chủng, các đơn vị chiến đấu; khối bảo đảm; khối nhà trường và các đơn vị kinh tế. Bộ Tư lệnh quân chủng có Tư lệnh và các Phó Tư lệnh; Chính uỷ và Phó Chính uỷ, các cơ quan đảm nhiệm các mặt công tác quân sự; công tác đảng, công tác chính trị; kỹ thuật; hậu cần và các đơn vị trực thuộc. Quân chủng có các sư đoàn không quân, sư đoàn phòng không và một số đơn vị không quân trực thuộc là các đơn vị chiến đấu chủ yếu. Quân chủng Phòng không – Không quân từng bước được trang bị các loại máy bay, tên lửa, pháo phòng không và các phương tiện kỹ thuật hiện đại khác trong đó có máy bay tiêm kích đa năng, tên lửa phòng không tầm xa, rađa thế hệ mới… Quân chủng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đồng thời quản lý vùng trời của Tổ quốc và tham gia tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai.

Trong cuộc chiến tranh giải phóng, lực lượng phòng không – không quân đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ ra miền Bắc, bảo vệ giao thông vận tải chi viện cho miền Nam, góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do những thành tích trong chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ khác, cả lực lượng không quân và phòng không đều được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Tổng hợp từ Cổng thông tin Bộ quốc phòng và các nguồn khác

Các Ngành Trong Quân Chủng Phòng Không

Ngành Tham mưu: Năm 2020, song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Tham mưu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong toàn Quân chủng tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt như: Quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc các mệnh lệnh, chỉ lệnh của trên về SSCĐ, QLVT, QLĐHB; tích cực tham gia phòng, chống lũ lụt, thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến Tư lệnh Không quân các nước ASEAN 2020 đảm bảo chặt chẽ. Công tác huấn luyện, bảo đảm an toàn bay được nâng lên vững chắc, đi vào thực chất; tham gia diễn tập, hội thi, hội thao đạt kết quả tốt. Nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” có chuyển biến tích cực, thực hiện có hiệu quả “Năm kỷ luật, kỷ cương 2020”. Chất lượng công tác giáo dục – đào tạo ngày càng được nâng cao.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiền – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng chủ trì Hội nghị.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2021, Bộ Tham mưu xác định các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong toàn Quân chủng cần tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các mệnh lệnh, chỉ thị, quy định, chế độ sẵn sàng chiến đấu của trên. Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ lực lượng trực ban sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay chặt chẽ, bảo vệ an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, Quân đội. Chủ động nghiên cứu, đánh giá tình hình, làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng các chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, chính xác các tình huống tác chiến phòng không, không để bị động, bất ngờ, lỡ thời cơ. Tổ chức huấn luyện đúng chương trình, kế hoạch đề ra, bám sát phương châm huấn luyện và tình hình thực tế tại đơn vị. Quản lý chặt chẽ đất quốc phòng; đặc biệt là chú trọng nâng cao toàn diện công tác xây dựng chính quy, quản lý, duy trì kỷ luật trong toàn Quân chủng và bảo đảm an toàn trong mọi hoạt động. (THÁI SƠN)

Ngành Chính trị: Năm 2020, hoạt động CTĐ, CTCT trong Quân chủng PK-KQ đã được triển khai toàn diện và hoàn thành chương trình, kế hoạch đã đề ra, nhiều nội dung đạt chất lượng, hiệu quả tốt. Nổi bật là: Các cơ quan, đơn vị đã quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2020 chặt chẽ, nghiêm túc; tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường công tác quản lý tư tưởng, quản lý kỷ luật bộ đội; chỉ đạo, tổ chức đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ Quân chủng nhiệm kỳ 2020-2025 chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc, thành công tốt đẹp. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; tiến hành có hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT trong các nhiệm vụ. Chủ động làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền thi đua, hoạt động chính sách, dân vận, “Đền ơn, đáp nghĩa”. Tình hình chính trị nội bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các địa bàn đóng quân cơ bản ổn định; cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao tinh thần cảnh giác, ý chí quyết tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng Trần Ngọc Quyến – Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng, kết luận Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Thiếu tướng Trần Ngọc Quyến yêu cầu, năm 2021, các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong Quân chủng tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết đại hội Đảng các cấp; các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương; Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ năm 2021 của Đảng ủy Quân chủng. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến lược “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; xây dựng Đảng bộ Quân chủng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững nguyên tắc, chế độ, nền nếp hoạt động CTĐ, CTCT; triển khai toàn diện, đồng bộ có chiều sâu hoạt động CTĐ, CTCT trong các nhiệm vụ, trọng tâm là sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay (SSCĐ, QLVT, QLĐHB), huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao, bắn, ném bom, đạn thật của các lực lượng, bảo đảm an toàn bay và an toàn trong các hoạt động. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội; xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh, góp phần xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. (DƯƠNG TOÀN)

Ngành Kỹ thuật: Năm 2020, ngành Kỹ thuật PK-KQ đã triển khai thực hiện nghiêm Chỉ lệnh công tác kỹ thuật năm 2020 của Bộ Quốc phòng và Quân chủng; tiến hành đồng bộ 6 mặt công tác kỹ thuật, đạt hiệu quả cao. Bảo đảm đồng bộ, kịp thời vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho các nhiệm vụ: SSCĐ, QLVT, QLĐHB, huấn luyện, diễn tập, bắn đạn thật, hội thi, hội thao…bảo đảm an toàn; đặc biệt là nhiệm vụ trực SSCĐ tăng cường dịp lễ, Tết, các sự kiện trọng đại của đất nước, Đại hội Đảng các cấp và các nhiệm vụ đột xuất khác. Tổ chức tốt việc bàn giao, tiếp nhận, nghiệm thu VKTB, vật tư kỹ thuật, điều động, điều chuyển trang bị. Các dự án cải tiến, hiện đại hóa VKTB, đầu tư chiều sâu công nghệ được thực hiện theo đúng tiến độ. Triển khai đồng bộ, có chất lượng các kế hoạch đầu tư tập trung, chương trình, mục tiêu thực hiện Nghị quyết 382, các đề án bảo đảm kỹ thuật, các chương trình xây dựng, củng cố cơ sở bảo đảm kỹ thuật. Các đơn vị thực hiện tốt chỉ tiêu bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất, tăng hạn, sửa chữa VKTBKT, bảo đảm an toàn kỹ thuật và an toàn bay theo kế hoạch đề ra. Các nhà máy triển khai sửa chữa VKTBKT có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì nghiêm chế độ, nền nếp công tác kỹ thuật, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đồng bộ thực chất, vững chắc các loại VKTBKT, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân chủng.

Năm 2021, ngành Kỹ thuật Quân chủng tiếp tục tiến hành đồng bộ các mặt công tác kỹ thuật; bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đồng bộ, thực chất, vững chắc các loại VKTBKT; đáp ứng tốt các nhiệm vụ của Quân chủng. Tổ chức tiếp nhận, nghiệm thu chặt chẽ các loại VKTBKT mua sắm mới. Thực hiện chất lượng, đúng tiến độ các dự án sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT và các dự án đầu tư chiều sâu công nghệ ở các nhà máy. Hoàn thành các chỉ tiêu bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất, sửa chữa VKTBKT; làm chủ các loại VKTBKT mới, cải tiến. Tăng cường công tác kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ mất an toàn kỹ thuật, uy hiếp an toàn bay do lỗi kỹ thuật; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quy ngành kỹ thuật; duy trì nghiêm nền nếp chế độ công tác kỹ thuật, quản lý chặt chẽ kỷ luật công nghệ, tăng cường công tác kiểm tra theo phân cấp. Tổ chức tốt các hội thi, hội thao kỹ thuật và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động 50; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, QLVT, QLĐHB và các nhiệm vụ đột xuất khác của Quân chủng năm 2021. (QUỲNH VÂN)

Ngành Hậu cần: Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tóm tắt kết quả công tác hậu cần năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và báo cáo kết quả thực hiện Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí – Phó Tư lệnh Quân chủng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Năm 2020, ngành Hậu cần Quân chủng đã quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch công tác quân sự của Tư lệnh Quân chủng, hướng dẫn của Tổng cục Hậu cần; làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng và tiến hành triển khai đồng bộ, kịp thời, duy trì chặt chẽ các mặt công tác, hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc như: Bảo đảm hậu cần cho Quân chủng tăng cường SSCĐ, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; huấn luyện PK, KQ; diễn tập; hội thi, hội thao, bảo đảm an toàn bay. Nâng cao khả năng cơ động, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, SSCĐ ngày càng cao của Quân chủng. Đặc biệt đã chỉ đạo và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ thị, hướng dẫn, quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và bảo đảm hậu cần cho phòng, chống dịch Covid-19 Quân chủng.

Trong năm 2021, ngành Hậu cần Quân chủng tiếp tục bảo đảm đầy đủ, kịp thời số lượng, chất lượng vật chất hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện, thường xuyên và đột xuất. Tổ chức khai thác, tiếp nhận, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, quản lý sử dụng hạn mức xăng dầu chặt chẽ, đúng nhiệm vụ. Bảo đảm đầy đủ, cân đối định lượng ăn cho các đối tượng; trang bị hệ thống bếp điện, bếp dầu Diesel để thay thế bếp lò hơi cơ khí theo lộ trình của trên. Tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Tiếp tục phòng, chống dịch bệnh theo mùa không để phát sinh, lây lan trong đơn vị (nhất là dịch Covid-19). Quản lý, sử dụng điện, nước an toàn, tiết kiệm. Chỉ đạo các đơn vị triệt để khai thác, phát huy hiệu quả năng lực phương tiện vận tải hiện có; kết hợp với các loại hình vận tải đáp ứng kịp thời, đày đủ nhu cầu vận chuyển xăng dầu, vật chất hậu cần, trang bị vũ khí khí tài và cơ động lực lượng bảo đảm an toàn…

Tại Hội nghị, Cục Hậu cần đã trao thưởng cho 7 tập thể và 14 cá nhân được Bộ Quốc phòng tặng thưởng trong Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” năm 2020. (ÁNH TUYẾT)

Thủ Tướng Giao 5 Nhiệm Vụ Cho Quân Chủng Phòng Không

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phải bảo đảm chủ động trong mọi tình huống, kiên quyết không để bị động bất ngờ, nhất là trước khả năng địch tấn công từ trên không, trên biển.

Sáng 21/12, Quân chủng Phòng không-Không quân long trọng tổ chức kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 28 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân và 45 năm Ngày Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; lãnh đạo một số bộ, ngành, các tổng cục, cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng và cựu chiến binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tới dự.

Bày tỏ vui mừng đến thăm Quân chủng Phòng không-Không quân, nhân dịp này, Thủ tướng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời thăm hỏi đến cán bộ, tướng lĩnh, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng của toàn quân nói chung và Quân chủng Phòng không-Không quân nói riêng cùng các đồng chí cựu chiến binh, thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ.

Thủ tướng nhấn mạnh, hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng phòng không-không quân đã lập nhiều chiến công xuất sắc.

Đặc biệt, trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, cùng với quân và dân Thủ đô Hà Nội, bộ đội phòng không-không quân đã phát huy cao độ vai trò nòng cốt trong cuộc đối đầu thử thách chưa từng có trong lịch sử, đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không lớn nhất của Mỹ, chủ yếu bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Cùng với quân và dân miền Bắc, đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay chiến lược B.52, làm nên Chiến thắng vĩ đại “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

“Sau 45 năm nhìn lại, chúng ta càng tự hào về ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không. Đó là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng ta; chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc ta; là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược với tất cả sự mưu trí, lòng dũng cảm và tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, gian khổ”, Thủ tướng nêu rõ.

“Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi trở thành một dấu son chói lọi, viết tiếp thêm một trang sử vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Từ chiến thắng này, chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới.

Đó là bài học về sự kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng – nhân tố quyết định giành thắng lợi; bài học về sự chỉ đạo chiến lược và chiến dịch tài tình, sắc bén trên cơ sở nắm chắc tình hình địch, sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống xảy ra; bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại; bài học về sự sáng tạo, tự chủ, tự lực, tự cường; bài học về sự giúp đỡ thủy chung, trong sáng của bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới…

Thủ tướng cho rằng trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, lực lượng phòng không-không quân luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, lập nhiều chiến công hiển hách.

Biểu dương những thành tích lực lượng phòng không-không quân đã đạt được những năm qua, Thủ tướng nhấn mạnh, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền bầu trời và biển đảo nói riêng đang đặt ra những nhiệm vụ rất nặng nề cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có trọng trách của lực lượng phòng không-không quân. Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng và Quân chủng cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng để lực lượng phòng không-không quân phát huy cao nhất vai trò, vị trí trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

5 nhiệm vụ chủ yếu

Thủ tướng đề nghị Quân chủng thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Thứ nhất, Quân chủng Phòng không-Không quân là lực lượng được ưu tiên đầu tư tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Để làm được điều đó, phải chú trọng xây dựng lực lượng thật sự mạnh cả về con người và vũ khí, trang bị; trong đó, lấy xây dựng con người là trung tâm – nhân tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu; bảo đảm toàn Quân chủng là một khối thống nhất về ý chí và hành động, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng trong mọi tình huống.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, có tinh thần khắc phục khó khăn, tự lực, tự cường; nếu phải đương đầu với cuộc chiến tranh hiện đại thì phải quyết tâm đánh thắng trận đầu, đánh thắng liên tục, bắn rơi tại chỗ các phương tiện tiến công đường không của địch.

Cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trình độ chuyên môn cao và năng lực thực tiễn, tiếp thu và ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào huấn luyện, chiến đấu; phát huy trí tuệ con người Việt Nam trong việc làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Thứ hai, không ngừng hoàn thiện thế trận phòng không gắn với thế trận phòng thủ trên từng khu vực. Thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc tình hình, âm mưu thủ đoạn của địch, nhất là đối tượng tác chiến phòng không để có những phương án tác chiến chính xác, kịp thời, phù hợp với điều kiện của ta.

Phát huy khả năng và hiệu quả chiến đấu cao nhất của từng lực lượng, từng đơn vị trong Quân chủng. Bảo đảm chủ động trong mọi tình huống, kiên quyết không để bị động, bất ngờ, nhất là trước khả năng địch tấn công từ trên không, trên biển; bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Đặc biệt, phải làm tốt vai trò làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xây dựng các lực lượng phòng không, không quân, phòng không nhân dân, tạo thành thế trận phòng không nhân dân vững mạnh, rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta và những cuộc chiến tranh trên thế giới gần đây, nhất là các chiến dịch phòng không lớn để vận dụng trong điều kiện mới.

Tăng cường nghiên cứu lý luận quân sự, nghệ thuật tác chiến phòng không hiện đại; coi đào tạo và huấn luyện chiến đấu là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của tất cả các cấp; công tác huấn luyện phải sát với yêu cầu nhiệm vụ, thực tế chiến đấu hiện nay. Tích cực nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ quân sự trong lĩnh vực phòng không-không quân; trong đó, chú ý nghiên cứu phòng, chống tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao của địch.

Chủ động có kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào lực lượng phòng không-không quân.Thứ tư, không ngừng nâng cao công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại. Tăng cường năng lực sửa chữa, sản xuất và ứng dụng các công nghệ mới nhằm bảo quản, nâng hạn sử dụng, nâng cao độ tin cậy của các loại vũ khí, trang bị; từng bước cải tiến, đổi mới trang thiết bị, sản xuất phụ tùng, linh kiện thay thế. Bảo đảm giữ tốt, dùng bền, khai thác, sử dụng hết tính năng, tác dụng của mọi loại vũ khí, khí tài hiện có.

Những năm gần đây, mặc dù Quân chủng được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư hiện đại hóa vũ khí, trang bị, nhưng vẫn còn nhiều loại đã cũ, khả năng sữa chữa, sản xuất trong nước khó khăn. Trước tình hình đó, tôi đề nghị các đồng chí cần nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong công tác quản lý, huấn luyện, điều hành bay, tôi yêu cầu lãnh đạo Quân chủng thường xuyên chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an toàn bay, tuyệt đối không để xảy ra các sự cố, gây mất an toàn.

Coi trọng nâng cao chất lượng công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng,… bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác được thực hiện ngày càng tốt hơn.

Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng; quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, để đối ngoại quốc phòng thực sự trở thành mũi nhọn trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.

* Tại Sở chỉ huy Quân chủng, sau khi nắm tình hình sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gửi lời thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng đang làm nhiệm vụ trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Qua cầu truyền hình trực tuyến, Thủ tướng đã nói chuyện với cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ trên Đảo Trường Sa Lớn; Đảo Nam Yết; Sư đoàn 370; Sư đoàn 361. Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn khắc ghi công lao to lớn của Bộ đội PK-KQ trong mọi giai đoạn cách mạng của dân tộc và mong cán bộ chiến sĩ các lực lượng trong Quân chủng phải luôn đoàn kết, trung thành, sáng tạo, xung kích vượt mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó. Phát huy, phát triển và vận dụng sáng tạo truyền thống, tinh hoa quân sự đã được đúc kết trong 73 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam; 28 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân và 45 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 – 12/2017). Xây dựng Quân chủng PK-KQ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Xem Những Quân Binh Chủng Oai Hùng Của Quân Đội Việt Nam

Một đội quân đáng gờm phải thỏa mãn những yếu tố sau: Bản lĩnh, ý chí chiến đấu cao; kinh nghiệm trận mạc dày dạn; lợi thế tác chiến…

Tổ chức Global Firepower (GFP) đã xếp trong 25 quốc gia có quân đội mạnh nhất thế giới thì quân đội Việt Nam đứng thứ 23. Tại khu vực ĐNA, Việt Nam xếp sau Indonesia.

Việc xếp hạng này chủ yếu dựa vào các tiêu chí như lực lượng quân số; vũ khí trang bị; nhiên liệu dự trữ cho các hoạt động quân sự…Nói chung sự so sánh, xếp loại sức mạnh này như đã nói trên, cũng chỉ làm tham khảo, sự so sánh đó chỉ đúng trong tư thế tĩnh, khi mà quân đội không ở trong tình trạng tác chiến, bởi vì tạo ra sức mạnh cho quân đội còn rất nhiều yếu tố như nghệ thuật quân sự, tư tưởng quân sự, bản lĩnh, kinh nghiệm trận mạc, địa lợi…những điều này chỉ phát huy tác dụng, tạo nên sức mạnh thực sự, lớn nhất khi chiến tranh xảy ra mà thôi.

Tuy nhiên, một dân tộc cách đây 70 năm chưa có tên trên bản đồ thế giới và quân đội chỉ có 34 người được trang bị súng kíp, giáo mác, mà nay được thế giới xếp vào tốp 23 quốc gia có quân đội mạnh nhất địa cầu là một niềm vinh dự, tự hào, một bước tiến như cổ tích thần thoại Phù Đổng của dân tộc Việt Nam ta.

Yếu tố tạo nên sức mạnh của quân đội Nhân dân Việt Nam

Chính nghĩa là yếu tố có vẽ như ai cũng hiểu nó mang tính chính trị, nhưng ở góc độ quân sự quốc phòng thì đây yếu tố hàng đầu, cơ bản để hình thành, xây dựng và phát triển nền nghệ thuật quân sự, tư tưởng quân sự, chiến thuật độc đáo… của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nếu như cho rằng, nghệ thuật “chiến tranh nhân dân”, lối đánh sở trường…của Việt Nam là vô địch, là không một thế lực nào có thể phá giải…thì tất cả những điều đó không thể phù hợp để thăng hoa với một quân đội đi xâm lược, bành trướng, một đội quân đi can thiệp vào công việc nội bộ nước khác. Rõ ràng là quân đội Việt Nam chỉ tự vệ, phòng thủ BVTQ cho nên, không có gì khó hiểu khi quân đội Việt Nam nhỏ nhưng không yếu, trang bị không mạnh, quân số không đông nhưng luôn chiến thắng trước các thế lực xâm lược hùng mạnh là thế. Chính nghĩa vừa là mục đích vừa là điều kiện cho quân đội Việt Nam có sức mạnh.

Truyền thống đánh giặc cũng là yếu tố mới nghe có vẽ chính trị, tuyên truyền, nhưng rất quan trọng nếu hiểu sâu và quan tâm về nó.

Thực ra, người Việt Nam chẳng ai muốn đánh giặc, muốn chiến tranh, nhưng người Việt Nam lại sinh ra trên một đất nước hình chữ S, đất nước mà hết triều đại này đến triều đại khác từ phương Bắc cứ muốn chiếm lấy bằng được. Do đó, người Việt Nam trong hàng ngàn năm nay, từ đời này đến đời khác, luôn phải chống giặc, đánh giặc để tồn tại, đánh giặc để bảo vệ giang sơn…cho nên nó…truyền nhiễm vào máu (huyết thống) hay là thành GEN di truyền, thế thôi.

Có thể thấy rất rõ điều này, thứ nhất, bất kỳ một thanh niên Việt Nam nào bình thường trong rất hiền, chậm chạp…nhưng khi xung trận là rất nhanh, rất sáng tạo, cứ như đã được ai dạy.

Dễ hiểu là đâu phải một nước 1,4 tỷ dân thì sẽ có nhiều cầu thủ bóng đá siêu đẳng, đội bóng sẽ vô địch thế giới…mà phải có tố chất, có cái gọi là gen bóng đá mới có thể.

Thứ hai là dân tộc Việt nói chung và quân đội nói riêng, luôn phải đối đầu với quân xâm lược đông, mạnh, hung hăng…nên, quân đội Việt Nam là một đội quân rất có bản lĩnh và phải có bản lĩnh. Nghĩa là, dù kẻ thù có đông, mạnh, hung hăng…đến mấy cũng không sợ, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng.

Nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “từ “sợ” không có trong từ điển quân sự Việt Nam”. Thứ ba là, trong lịch sử, Việt Nam ta đã từng bị phương Tây xâm lăng, nhưng có một điều rất khó giải thích rõ ràng, minh bạch, là hễ mỗi khi bị giặc phương Bắc đe dọa, xâm lược là y như rằng cả dân tộc đều kết thành một khối, khí thế chống giặc lại ngùn ngụt dâng cao ngất trời.

Chính có truyền thống đánh giặc cho nên kinh nghiệm trận mạc để BVTQ ngày càng dày dạn, đó là những kinh nghiệm quý báu được trả bằng máu xương của thế hệ đi trước mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Như vậy, ngoài yếu tố vật chất như vũ khí trang bị… tạo ra sức mạnh cho quân đội thì tính chính nghĩa và truyền thống đánh giặc là 2 phạm trù lớn mang tính quyết định đến sức mạnh của quân đội Việt Nam.

Những quân binh chủng đáng gờm của quân đội Việt Nam.

Một đội quân đáng gờm phải thỏa mãn những yếu tố sau: Bản lĩnh, ý chí chiến đấu cao; kinh nghiệm trận mạc dày dạn; đặc biệt luôn có lợi thế tác chiến và cuối cùng là vũ khí trang bị hiện đại, phù hợp với lối đánh, địa thế.

Lục quân Việt Nam (bộ binh, xe tăng, pháo binh…) là lực lượng hình thành đầu tiên của QQĐVN. Với lịch sử là luôn đối đầu với những đạo quân xâm lược đông và mạnh hơn gấp nhiều lần và luôn chiến thắng. Vì vậy, bản lĩnh và ý chí chiến đấu là khỏi phải bàn, đồng thời kinh nghiệm trận mạc cũng dày dạn.

Đây là lực lượng có nhiệm vụ phòng thủ BVTQ trên toàn tuyến biên giới, trên một địa hình phức tạp, hiểm trở. Vì vậy, kẻ thù muốn triển khai, tổ chức một cuộc tấn công lớn với hàng vạn quân, hàng vạn xe tăng , pháo binh tự hành…ào ạt, đồng thời vào tuyến biên giới Việt Nam là rất khó khăn nếu như không muốn nói là không thể.

Nói theo nghĩa hình tượng thì địch chỉ có thể tấn công bằng đội hình “hàng dọc” chứ không thể “hàng ngang” để phát huy thế mạnh của những đội quân đông. Vì thế, lợi thế địa lý và với vũ khí trang bị hiện đại như ngày nay sẽ tạo cho lục quân Việt Nam luôn chiếm ưu thế tác chiến.

Không quân Việt Nam xuất kích!

Phòng không-không quân Việt Nam, đây là lực lượng ra đời sau lục quân nhưng đã đụng đầu với một lực lượng không quân hiện đại, thiện chiến bậc nhất thế giới-không quân Mỹ, trong một cuộc chiến tranh hiện đại, đã tạo cho PK-KQ Việt Nam một “đẳng cấp” cao. PK-KQ Việt Nam đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của mình, nhưng đó chỉ là quá khứ, cái quan trọng nhất mà quân đội Việt Nam hưởng được từ cha anh, phục vụ cho hiện tại là kinh nghiệm trận mạc.

Thế trận phòng không nhân dân, các lưới lửa phòng không, chống tập kích đường không, những trận không chiến khốc liệt…và ngay như để có cuốn “cẩm nang bìa đỏ” thì hàng ngàn chiến sỹ, sỹ quan tên lửa đã phải anh dũng hy sinh. Tất cả, tất cả, kinh nghiệm đó đều được viết lên bằng máu xương của thế hệ cha anh chứ không phải bằng tập trận…mà có được.

Nếu như trong cuộc chiến biên giới phía Bắc, tại hướng biển, Hải quân Trung Quốc rất muốn tấn công, vì họ có lợi thế là lực lượng Hải quân Việt Nam rất yếu, nhưng không thể, vì Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô đang trấn giữ, thì tại sao Trung Quốc không dùng không quân tham gia tấn công? Rõ ràng, lúc đó Trung Quốc rất muốn dạy cho Việt Nam, muốn tiến sát Hà Nội càng tốt, nhưng PK-KQ Việt Nam là lực lượng đáng gờm, không quân Mỹ còn ngán thì không quân Trung Quốc lúc đó…không dám thử.

Rất dễ hiểu là ngày nay, lực lượng PK-KQ được Việt Nam ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại, đặc biệt là lực lượng không quân. Các máy bay chiến đấu dòng SU-30 ngày càng tăng về số lượng, chất lượng để chiếm lĩnh vùng trời khu vực tác chiến tạo nên trụ cột của sức mạnh.

Điều đặc biệt là hiện nay, lực lượng không quân Việt Nam luôn luôn có đủ khả năng tác chiến trên mọi vùng biển đảo xa nhất của Tổ quốc. Đây là thế trận rất lợi hại mà từ lợi thế địa lý, Không quân Việt Nam với lối đánh sở trường sẽ là mối nguy hiểm bậc nhất cho lực lượng tàu mặt nước của đối phương và do đó, đây cũng là lực lượng đáng gờm nhất trên Biển Đông…..

ĐVO