Kết quả
Tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của công đoàn Việt Nam:
* Khía cạnh pháp lý và xã hội : Nghiên cứu tổ chức công đoàn ở khía cạnh pháp lý và xã hội bao gồm việc giải đáp các nội dung như : công đoàn được thành lập từ đâu? sự thừa nhận công đoàn với tư cách là một hiện tượng xã hội, một thực thể pháp lý được dựa trên cơ sở nào? khả năng được xác định về phạm vi hoạt động ra sao? Quy mô của tổ chức như thế nào?…
Đây là những vấn đề mà pháp luật phải chú trọng giải quyết. Vì vậy, việc thừa nhận công đoàn và thừa nhận cơ cấu tổ chức theo điều lệ công đoàn, xác định phạm vi hoạt động của công đoàn cũng như của các cấp, các bộ phận thuộc hệ thống tổ chức công đoàn trong mối quan hệ với các cá nhân, tổ chức và cơ quan hữu quan là một nội dung quan trọng của sự điều chỉnh pháp luật. mặt khác, chính những quy định này của pháp luật lại là điều kiện cho sự tồn tại trước xã hội của công đoàn.
* Về phương diện nội bộ : công đoàn được tổ chức theo điều lệ công đoàn. Trong điều lệ, phù hợp với chức năng của công đoàn, công đoàn sẽ xác định cho mình cơ cấu phù hợp như : cơ quan lãnh đạo công đoàn toàn quốc, cơ quan lãnh đạo công đoàn ngành, cơ quan lãnh đạo công đoàn địa phương, tổ chức công đoàn cơ sở. Toàn bộ hệ thống của công đoàn Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất về tư tưởng, về tổ chức và hoạt động trong việc thực hiện các chủ trương, biện pháp và phương pháp công tác công đoàn.
Những cơ cấu và nguyên tắc tổ chức này là một điều kiện cực kỳ quan trọng và cần thiết cho hoạt động công đoàn trong lĩnh vực đại diện cho tập thể lao động mà pháp luật đã giành cho công đoàn ngay từ khi xác định vị trí của nó cũng như các phương diện hoạt động của công đoàn.
b. Chức năng của công đoàn
Chức năng của công đoàn biểu hiện một cách khái quát về phạm vi hoạt động, mục đích hoạt động và sự định hướng trong hoạt động của các cấp trong tổ chức công đoàn. các chức năng của công đoàn bao gồm :
– Chức năng bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân và người lao động.
– Chức năng tổ chức giáo dục, vận động công nhân và người lao động;
– Chức năng đại diện cho người lao động tham gia quản lý kinh tế xã hội, quản lý Nhà nước.
c. Nhiệm vụ của công đoàn
Nhiệm vụ của công đoàn là toàn bộ những mục tiêu mà công đoàn cần đạt tới, là những vấn đề đặt ra mà công đoàn cần giải quyết. Thực hiện các nhiệm vụ đó chính là thực hiện các chức năng đã được xác định của công đoàn trong.
một giai đoạn nhất định, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của giai đoạn ấy. Nhiệm vụ của công đoàn là yếu tố dễ biến động hơn so với chức năng. Mỗi nhiệm vụ cũng có thể có sự quan tâm ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn nhất định.
Trong giai đoạn hiện nay, công đoàn có những nhiệm vụ sau đây :
– Tập hợp, giáo dục và tuyên truyền pháp luật để người lao động hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, của các cơ quan và các tổ chức. Từ đó tạo cho người lao động các phương thức xử sự phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và pháp lý.
– Thực hiện các quyền đã được pháp luật ghi nhận một cách có hiệu quả để bảo vệ và chăm lo đến lợi ích và đời sống của người lao động.
– Tham gia các quan hệ trong nước và quốc tế nhằm xây dựng các mối quan hệ đối nội và đối ngoại rộng rãi, góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện tốt cho môi trường lao động xã hội.
Những nhiệm vụ này đã được thể chế trong các văn bản pháp luật của Nhà nước và chi tiết hóa thành những nhiệm vụ trực tiếp của công đoàn trong quá trình hoạt động ở các công đoàn cơ sở. Song muốn quá trình hoạt động đó đạt được hiệu quả, công đoàn cần có những điều kiện nhất định bao gồm :
– Quyền tự do công đoàn,
– Tư cách pháp nhân
– Quyền sở hữu tài sản,
– Sự bảo trợ của Nhà nước và các đơn vị sử dụng lao động,
– Các điều kiện khác.
Các điều kiện này, vừa mang tính chất pháp lý, vừa mang tính chất kinh tế – xã hội, có ý quan trọng đối với hoạt động của công đoàn, chi phối và quyết định quá trình thực hiện các nhiệm vụ đề ra.
ThS. Diệp Thành NguyênQuanTri.vn Biên tập và hệ thống hóa