Nâng Cao Chất Lượng Sản Phẩm Du Lịch
--- Bài mới hơn ---
(AGO) – Với điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử và tài nguyên du lịch (DL) khá phong phú, đa dạng đã tạo cho An Giang có nhiều điểm khác biệt, độc đáo để phát triển DL. Hàng năm, có hàng triệu lượt du khách đến An Giang, nhưng số lượng du khách lưu trú thấp. Do đó, để phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, ngành DL tỉnh cần phải khai thác, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đồng thời, cần có những định hướng, giải pháp cụ thể để đưa ngành DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thực trạng
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lê Minh Tùng, tài nguyên DL An Giang khá phong phú và đa dạng, như: Cảnh quan sinh thái độc đáo (sinh thái ngập nước, như: Rừng tràm Trà Sư, Tứ giác Long Xuyên, mùa nước nổi…), có núi với hệ động – thực vật phong phú, đa dạng; có các di tích văn hóa – lịch sử (Khu di tích quốc gia đặc biệt Mỹ Hòa Hưng, khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp…); các di tích văn hóa quốc gia (khu di tích văn hóa Óc Eo, Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam…) cùng các cảnh quan thể hiện đặc trưng trong phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh (vườn cây ăn trái, làng bè, làng nghề, chợ nổi…). An Giang còn là vùng đất có nhiều dân tộc (Chăm, Khmer, Hoa); có các lễ hội đặc trưng (Lễ hội cấp quốc gia vía Bà Chúa Xứ núi Sam, lễ hội đua bò Bảy Núi…); có các loại hình văn hóa đặc sắc (đờn ca tài tử, lễ cưới người Chăm, Khmer…). Những thế mạnh đó đã tạo ra nhiều sản phẩm DL khác biệt cho An Giang.
Ngoài các khu, điểm du lịch hấp dẫn, An Giang cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút, giữ chân du khách
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi để phát triển DL, ông Lê Minh Tùng cũng cho rằng, cách tổ chức DL ở An Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL phần lớn giống nhau về diện mạo, chưa có sự đột phá về hình thức, quy mô, chưa phát huy được tính đặc thù, sắc thái chung của toàn vùng và nét riêng độc đáo của từng tỉnh, thành. Các địa phương chỉ tập trung khai thác những gì sẵn có từ thiên nhiên, thiếu đầu tư để tạo ra những sản phẩm DL mới, mang đặc trưng vùng, miền. Bên cạnh đó, sản phẩm DL chậm đổi mới; phần lớn các doanh nghiệp DL có quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn, công nghệ nên khai thác những tài nguyên có sẵn hoặc sao chép để hình thành sản phẩm DL. Vì vậy, tính chất độc đáo, giá trị nguyên bản và ý tưởng của sản phẩm DL còn nghèo nàn và trùng lắp giữa các vùng, miền.
Mặt khác, do quá trình phát triển sản phẩm chưa được nghiên cứu bài bản nên chất lượng và giá trị hàm chứa trong sản phẩm thấp. Ít sáng tạo, thiếu tính độc đáo, phong phú, đặc sắc; thiếu đồng bộ và thiếu tính liên kết là thuộc tính phổ biến của sản phẩm DL hiện nay. Điều này dẫn đến sản phẩm, dịch vụ DL có hàm lượng giá trị gia tăng thấp, sản phẩm trùng lắp giữa các tỉnh (DL sông nước, DL sinh thái). Chính thực trạng này đã làm tính hấp dẫn của DL ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng, tạo cảm giác nhàm chán cho du khách (số ngày lưu trú trung bình của du khách ở ĐBSCL chỉ 30% đến 35% so với bình quân cả nước). Ngoài ra, công tác nghiên cứu thị trường DL ở tầm vĩ mô và ở cấp doanh nghiệp còn hạn chế. Việc nghiên cứu phân đoạn thị trường để xác định thị trường mục tiêu còn chậm và thụ động. Việc xúc tiến quảng bá DL chưa chuyên nghiệp, bài bản, hiệu quả, mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu DL.
Định hướng và giải pháp phát triển
Theo ông Lê Minh Tùng, để DL phát triển, thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, liên kết, bền vững để DL An Giang có tính chuyên nghiệp, chất lượng, cạnh tranh. Đồng thời, cần xây dựng thương hiệu điểm đến An Giang “an toàn, thân thiện, hấp dẫn”; cần bám mục tiêu, hướng đến phát triển DL bền vững, DL xanh. Theo đó, trong định hướng phát triển, ngoài việc sắp xếp lại, phát triển thêm các sản phẩm DL hiện có của tỉnh, An Giang cần tìm tòi các sản phẩm, mô hình DL mang tính mới, tính cá biệt, đặc trưng, độc đáo, nổi trội. Mỗi địa phương cần chọn ra sản phẩm DL nổi bật nhất để tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn. Ngoài những điểm đến chính còn có những điểm đến phụ, có vai trò hỗ trợ cho nhau tạo nên sự đa dạng, phong phú cho sản phẩm DL của tỉnh. Dĩ nhiên, sẽ có nhiều sản phẩm, mô hình tương đồng với các tỉnh ĐBSCL. Do vậy, trong các sản phẩm và mô hình giống nhau thì phải nghiên cứu, tìm tòi các hoạt động mới, sinh động phục vụ du khách, tránh rập khuôn, bắt chước, nhàm chán, đơn điệu và kém hấp dẫn.
Tiếp tục phát triển các sản phẩm DL theo hướng: Phát triển hệ thống sản phẩm DL đặc sắc, đa dạng, đồng bộ, chất lượng cao, giá trị tăng cao nhằm thu hút nhiều thị trường du khách, nhà đầu tư DL vào các địa phương. Phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng về tự nhiên và văn hóa ở từng địa phương trong xây dựng, phát triển các sản phẩm DL. Đặc biệt, phát triển sản phẩm DL theo lộ trình, có tính ưu tiên; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phát huy tính đặc trưng của các vùng DL, xác định các khu DL trọng điểm để phát triển sản phẩm DL. Ưu tiên phát triển các loại hình DL có giá trị gia tăng cao. Chú trọng đầu tư các điều kiện để phát triển sản phẩm DL đảm bảo tính cạnh tranh cao gắn với việc xây dựng thương hiệu DL quốc gia, vùng và địa phương.
Bài, ảnh: MINH THƯ
--- Bài cũ hơn ---