Nội dung các cuộc TXCT của đại biểu HĐND tỉnh được chuẩn bị chu đáo, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng tiếp xúc và tập trung chủ yếu vào việc thông báo dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp; tình hình triển khai nghị quyết của HĐND về kinh tế – xã hội ở địa phương; báo cáo kết quả kỳ họp, kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo với cử tri về hoạt động trong năm, phương hướng nhiệm vụ hoạt động năm tới của đại biểu HĐND. Nhìn chung, kỹ năng TXCT của đại biểu đã từng bước được nâng lên, các đại biểu không chỉ phân loại, tổng hợp kiến nghị của cử tri chuyển đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết mà đã giải đáp được phần lớn các ý kiến, kiến nghị ngay tại hội nghị tiếp xúc; đồng thời, tham gia nhiều giải pháp giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.
Những năm trước, hình thức TXCT của đại biểu tỉnh Sơn La chủ yếu theo định kỳ trước và sau kỳ họp, tại nơi ứng cử, nơi cư trú và nơi công tác. Thời gian gần đây, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức cho đại biểu TXCT theo chuyên đề. Cải tiến này đã đem lại kết quả rất khả quan. Trước Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh TXCT để thu thập ý kiến về việc thực hiện các chính sách trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại các trường ĐH, CĐ trong khu vực; trước Kỳ họp thứ 12, TXCT về việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh, xã hội tại một số cơ quan, doanh nghiệp… Không khí các buổi tiếp xúc cư tri theo chuyên đề sôi động hơn, nội dung có trọng tâm; nhiều đề xuất, kiến nghị thiết thực góp phần rất lớn vào việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và giải pháp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động TXCT vẫn còn nhiều hạn chế. Hình thức tiếp xúc, công tác tổ chức, điều hành các cuộc TXCT còn đơn điệu; tiếp xúc theo chuyên đề ít nên thực hiện còn lúng túng; chưa thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình, thời gian, địa điểm TXCT nên đối tượng, thành phần cử tri tham gia chưa rộng, chủ yếu là cán bộ xã, bản; kỹ năng tiếp xúc của một số đại biểu còn hạn chế, chưa tạo được không khí gần gũi, cởi mở để cử tri bộc bạch hết tâm tư, nguyện vọng; một số chưa am hiểu sâu tình hình kinh tế – xã hội của địa phương nên trả lời, giải thích kiến nghị của cử tri chưa rõ ràng, thiếu cụ thể. Việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri có lúc, có nơi còn chậm, có vấn đề cử tri đã nêu nhiều lần nhưng không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, một số tổ đại biểu chưa quan tâm tổng hợp thông tin về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị để thông báo tới cử tri, nên có kiến nghị lặp lại nhiều lần…
Từ thực tế công tác TXCT của HĐND tỉnh Sơn La, có thể rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TXCT của đại biểu dân cử. Thứ nhất, kế hoạch TXCT phải được xây dựng sớm và khoa học, hợp lý: căn cứ vào nội dung từng kỳ họp để lựa chọn hình thức, địa điểm tiếp xúc phù hợp, đồng thời phải kết hợp hài hoà TXCT theo chuyên đề với TXCT nơi ứng cử, nơi cứ trú và nơi công tác. Tổ chức TXCT vùng đồng bào dân tộc thiếu số nên cử các đại biểu nói và nghe được tiếng dân tộc để thuận lợi trong quá trình trao đổi và tạo sự gần gũi, thân mật giữa đại biểu với cử tri. Chương trình tiếp xúc cử tri của các tổ đại biểu phải được gửi đến cơ quan thông tin đại chúng nhằm thông báo cụ thể về thời gian, địa điểm, nội dung… để mọi cử tri biết, tham gia. Thứ hai, nội dung TXCT cần chuẩn bị đầy đủ, phù hợp với từng địa điểm. Thứ ba, đại biểu phải nhận thức rõ TXCT là: “Nói cho cử tri nghe- Nghe cử tri nói” và “Giải trình, tiếp thu ý kiến cử tri”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, các đại biểu phải trang bị kỹ năng thuyết trình; kỹ năng ghi nhận, tổng hợp và kinh nghiệm thuyết phục cử tri; trước khi TXCT cần dành thời gian nắm tình hình địa bàn tiếp xúc, chuẩn bị kỹ nội dung và nên đến trước giờ quy định để có điều kiện gặp gỡ, thăm dò các vấn đề cử tri quan tâm; phát hiện vấn đề “nóng” có thể phát sinh để chuẩn bị phương án xử lý. Quá trình tiếp xúc, đại biểu cần tạo được không khí thân mật, gần gũi; thái độ ứng xử bình tĩnh, tự tin, song phải có chính kiến rõ ràng; đồng thời phải khéo léo xử lý xung đột phát sinh giữa các cử tri hoặc giữa cử tri với UBND và các ngành. Thứ tư, phải tích cực đôn đốc, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động TXCT. Bên cạnh làm tốt công tác tổng hợp, phân loại và chuyển các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền; đôn đốc việc giải quyết và báo cáo kết quả giải quyết tại kỳ họp; thực hiện quyền chất vấn đối với những vấn đề bức xúc…, nếu xét thấy cần thiết HĐND có thể tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Thứ năm, cơ quan giúp việc cho HĐND cần nghiên cứu và tạo điều kiện để đại biểu HĐND áp dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động TXCT thường xuyên, như: tiếp xúc qua hộp thư điện tử, trực tuyến qua internet; đồng thời cần xây dựng chuyên mục Diễn đàn cử tri trên sóng phát thanh, truyền hình để kịp thời phản ánh và giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri…