--- Bài mới hơn ---
Giải Pháp Nâng Cao Hiệu Quả Quản Trị Nguồn Nhân Lực Tại Công Ty Địa Ốc
Đề Tài Giải Pháp Về Đào Tạo Nguồn Nhân Lực Ở Việt Nam
Đề Tài Giải Pháp Phát Triển Nguồn Nhân Lực Cho Công Ty Tnhh Một Thành Viên Sông Lam
Văn Phòng Đại Diện Công Ty Cổ Phần Giải Pháp Ez Tại Thành Phố Đà Nẵng
Công Ty Tnhh Giải Pháp Điện Tử E.s.o
Ngày đăng: 18/03/2018 02:36
Theo Liên hợp quốc “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước”. Theo tổ chức Lao động quốc tế thì “Nguồn nhân lực của một quốc gia là toàn bộ những người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động”. Nguồn nhân lực được hiểu theo hai nghĩa: theo nghĩa rộng, nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động cho sản xuất xã hội, cung cấp nguồn lực con người cho sự phát triển. Do đó, nguồn nhân lực bao gồm toàn bộ dân cư có thể phát triển bình thường. Theo nghĩa hẹp, nguồn nhân lực là khả năng lao động của xã hội, là nguồn lực cho sự phát triển KT-XH, bao gồm các nhóm dân cư trong độ tuổi lao động, có khả năng tham gia lao động, sản xuất xã hội, là tổng thể các yếu tố về thể lực, trí lực của họ được huy động vào quá trình lao động(1).
1. Thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh Bắc Ninh
Trong quá trình phát triển KT-XH, nguồn nhân lực của tỉnh Bắc Ninh đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng; cơ cấu lao động thay đổi theo hướng phù hợp với quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
– Về số lượng: do có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Ninh luôn ở mức cao hơn bình quân chung từ 2 đến 2,5 lần, thu nhập bình quân đầu người gấp trên 3 lần mức bình quân cả nước. Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư, nhất là đầu tư FDI góp phần tạo lực hút lớn đối với lao động nhập cư từ các địa phương khác nên nguồn nhân lực rất dồi dào. Toàn tỉnh hiện có trên 1,15 triệu người với gần 738 nghìn người trong độ tuổi lao động, chiếm 63,9% dân số, dấu hiệu này cho thấy dân số Bắc Ninh đang trong giai đoạn “dân số vàng”. Nguồn lao động của tỉnh có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 2,5%/năm và tăng dần qua các năm. Năm 2022, tổng nguồn lao động (bao gồm những người trong độ tuổi lao động và những người ngoài độ tuổi lao động vẫn có khả năng lao động) có 822,1 nghìn người, chiếm tỉ lệ 71,2% dân số, trong đó lao động đang làm việc trên 648,51 nghìn người, chiếm tỉ lệ 78,88% so với tổng nguồn lao động. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có cơ cấu trẻ rất cao, số lao động trong độ tuổi từ 20 – 44 chiếm 66,5% trong các nhóm tuổi tham gia lao động, nhóm tuổi từ 20 – 24 chiếm trên 11,45%, nhóm tuổi từ 25 – 29 chiếm 14,5%, nhóm từ 30 – 34 tuổi chiếm 13,05%. Đây là lợi thế lớn cho tỉnh Bắc Ninh trong quá trình thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
– Về chất lượng: trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực tỉnh Bắc Ninh trong những năm gần đây không ngừng được nâng cao. Học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên chiếm tỉ lệ 23,6%; tốt nghiệp trung học cơ sở 44,34%. Hàng năm, tỉnh Bắc Ninh có khoảng 7.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Học viên trung cấp, công nhân kỹ thuật được đào tạo ngắn hạn có khoảng 11.000 người, trong đó ngành nghề chuyên môn kỹ thuật chiếm 40%, ngành nghề chuyên môn quản lý nghiệp vụ chiếm 60%. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động cũng được cải thiện đáng kể. Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2002 và theo niên giám thống kê năm 2022 cho thấy, số lao động đã qua đào tạo tăng từ 22,9% năm 2002 lên 24,2% năm 2022(2). Trong tổng số lao động đang làm việc, chuyên môn kỹ thuật bậc cao chiếm 8,6%; chuyên môn kỹ thuật bậc trung chiếm 10,8%; các nghề giản đơn và thợ chiếm 49,2%; các loại công việc khác chiếm 31,4%.
Chất lượng nguồn nhân lực của Bắc Ninh được nâng cao do có sự quan tâm đầu tư của chính quyền tỉnh và sự mở rộng các loại hình giáo dục – đào tạo. Hiện nay, hệ thống đào tạo của tỉnh Bắc Ninh phát triển khá nhanh với đầy đủ các loại hình từ mầm non đến đại học và dạy nghề. Năm học 2014-2015, Bắc Ninh có 161 trường mầm non, 154 trường tiểu học, 135 trường trung học cơ sở, 35 trường trung học phổ thông và đội ngũ giáo viên 15.030 người. Đặc biệt, Bắc Ninh có 8 trường đại học, cao đẳng với 989 giảng viên, trong đó giảng viên có trình độ trên đại học là 560 người (chiếm 56,6%). Mỗi năm tỉnh Bắc Ninh có thể tuyển hơn 4,5 nghìn sinh viên. Đội ngũ giáo viên dạy nghề tăng đáng kể với 1.552 người (tăng 32% so với năm 2012), trong đó 167 người có trình độ sau đại học. Bắc Ninh còn đặc biệt quan tâm và định hướng cụ thể việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao với nhiều chương trình đào tạo như: đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ quản lý nhà nước và quản trị kinh doanh, ngành giáo dục – đào tạo, ngành công nghệ sinh học… Các chương trình này đã cung cấp cho tỉnh lực lượng cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu nhân lực cao trong quản lý hành chính, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
– Về cơ cấu nguồn nhân lực: cơ cấu kinh tế và cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (xem biểu đồ 2).
Biểu đồ 2. Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế của Bắc Ninh giai đoạn 2011- 2022 ( Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Bắc Ninh năm 2022).
Biểu đồ trên cho thấy tỷ trọng công nghiệp – xây dựng đang có xu hướng tăng nhưng chậm dần, tỷ trọng lao động dịch vụ tăng nhanh hơn, riêng lao động nông nghiệp có xu hướng giảm mạnh.
2. Một số hạn chế về nguồn nhân lực
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bắc Ninh gặp phải một số khó khăn và hạn chế sau:
Một là, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức khá cao, lao động nhập cư chất lượng thấp vẫn là chủ yếu. Mối tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và nguồn lao động chưa hợp lý kéo theo tình trạng dư thừa lao động: tỉ lệ thất nghiệp của tỉnh Bắc Ninh năm 2022 là 2,29%, trong đó khu vực thành thị là 3,11% và khu vực nông thôn là 1,97%. Mặc dù là nguồn cung cấp nhân lực chủ yếu cho tỉnh, nhưng lao động nhập cư chủ yếu xuất thân từ nông thôn nên chất lượng thấp (ở Việt Nam lao động thành thị đã được đào tạo chiếm 30,9%, trong khi ở nông thôn chỉ có 9%). Lao động từ nông thôn ra thành thị có mục đích chính không phải là học nghề, học việc mà là tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, do trình độ không đáp ứng yêu cầu nên chỉ làm những công việc mang tính chất thời vụ, buôn bán hoặc những việc không đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật, vì vậy công việc rất bấp bênh và dễ thất nghiệp. Theo điều tra của Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, đến hết quý I năm 2022, tỉnh Bắc Ninh có 199.212 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó có 66.389 lao động là người địa phương, chiếm 33,3%, lao động là người nước ngoài có 2.543 người, chiếm 1,28%; có 130.280 lao động nhập cư, chiếm 65,42%. Qua đó cho thấy, mặc dù tốc độ tăng nguồn nhân lực cao nhưng chủ yếu là nguồn nhân lực có trình độ thấp, nguồn nhân lực chất lượng cao không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hai là, chất lượng nguồn nhân lực chưa theo kịp đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa. Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật là thước đo quan trọng của chất lượng nguồn lao động. Tuy nhiên, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động có tay nghề của Bắc Ninh còn thấp. Tỉ lệ lao động trình độ cao đẳng, đại học chỉ có 3,7%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình cả nước (8,4%). Tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn lớn, chiếm 75,8% tổng số lao động. Phân bố nguồn nhân lực chưa đồng bộ, còn mất cân đối, xảy ra tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu trong các ngành kinh tế, nhiều ngành lao động đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật nhất định còn thiếu khá nhiều như lập trình, điện tử…
Ba là, còn xảy ra tình trạng mất cân bằng cung cầu lao động. Hiện nay, ở Bắc Ninh tồn tại một nghịch lý là dù nguồn nhân lực dồi dào, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động do nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề, chất lượng cao của các doanh nghiệp liên tục tăng. Là địa phương đi đầu trong việc thu hút vốn đầu tư nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng, trong nhiều năm qua số lượng các doanh nghiệp đầu tư hoạt động ở Bắc Ninh tăng lên rất nhanh. Năm 2011 mới có 3.521 doanh nghiệp, trong đó 190 là doanh nghiệp FDI thì đến năm 2022 đã có 5.416 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm tăng 11,4% khiến cho nhu cầu về nguồn nhân lực tăng cao: năm 2011 có 155.518 lao động, trong đó có 68.726 lao động làm việc cho doanh nghiệp FDI thì đến năm 2022 có 271.284 lao động, bình quân mỗi năm tăng 14,9%, trong đó khu vực FDI là 170.254 người, tăng bình quân 25,5%/năm. Trong khi đó, tỷ lệ lao động có trình độ phù hợp không đủ đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp.
Bốn là, chất lượng đào tạo nhân lực còn nhiều hạn chế. Quá trình hội nhập quốc tế luôn đặt ra những đòi hỏi khách quan đối với nguồn nhân lực về số lượng cũng như năng lực và phẩm chất cần thiết của người lao động. Nếu như trước đây, người lao động chỉ cần có đức tính tốt, cần cù, trung thành và có tinh thần trách nhiệm, thì ngày nay, trong thời kỳ hội nhập người lao động ngoài trình độ chuyên môn lành nghề còn phải có tính sáng tạo, có khả năng phân tích, tinh thần đồng đội, có trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin, am hiểu luật pháp… Điều đó phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng giáo dục – đào tạo. Mặc dù trình độ văn hóa của người lao động đã được nâng cao, hệ thống giáo dục – đào tạo đã được cải tiến nhiều, chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên ngày càng tiếp cận gần hơn với hệ thống giáo dục quốc tế, tuy nhiên, thực tế chất lượng giáo dục – đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Nhiều lao động được đào tạo từ các trường cao đẳng, đại học khó tìm được việc làm theo chuyên môn đào tạo; thậm chí nhiều sinh viên khi nộp đơn vào doanh nghiệp FDI không dám khai là có bằng đại học. Trong khi đó xu thế hiện nay thanh niên vẫn lựa chọn vào các trường cao đẳng, đại học hơn là các trường đào tạo nghề.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bắc Ninh
Để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu về nhân lực tại tỉnh Bắc Ninh, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao chất lượng lao động nhập cư. Cần xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ phát triển nguồn nhân lực trong tỉnh như: hỗ trợ người học nghề, tự tìm việc làm, tự tạo việc làm, đi xuất khẩu lao động; thực hiện cải cách hệ thống giáo dục – đào tạo trong tất cả các cấp, nhất là các trường dạy nghề; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường; xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và dạy nghề có trình độ chuyên môn cao. Cần đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, gắn nội dung đào tạo trong nhà trường với hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp, đào tạo phải đảm bảo đầu ra có địa chỉ để học viên khi ra trường tìm được việc làm ngay mà các cơ sở sản xuất không phải đào tạo lại. Cần chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho người lao động để chủ động hơn trong quá trình hội nhập. Công tác dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động phải chính xác, khoa học, định hướng tốt để giúp các trường đại học, cao đẳng hoạch định chiến lược đào tạo. Tỉnh cần chú trọng đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn và thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các khu công nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp hiện đại, ít thâm dụng lao động.
Hai là, xây dựng một thị trường lao động chất lượng cao để đáp ứng đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa. Bắc Ninh đang hướng đến thu hút các ngành kỹ thuật cao, do đó phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để hàng năm tuyển chọn những sinh viên ưu tú cử đi nước ngoài đào tạo với cam kết quay về phục vụ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện tích cực, nhất quán các chính sách khuyến khích thu hút tài năng, thu hút nhân tài. Muốn vậy, tỉnh Bắc Ninh cần có chính sách, chế độ đãi ngộ thích đáng đối với những người có trình độ cao, nhất là đội ngũ trí thức trẻ và những tài năng trẻ. Bên cạnh việc thu hút nguồn lực chất lượng cao trong nước, cần có chính sách thu hút và huy động đội ngũ trí thức Việt kiều và du học sinh về nước làm việc.
Ba là, giảm thiểu mất cân bằng cung cầu lao động và nâng cao chất lượng đào tạo. Để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng mọi yêu cầu của từng vị trí việc làm của doanh nghiệp, cùng với cải cách hệ thống giáo dục – đào tạo cần đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và dạy nghề. Đẩy mạnh hình thức xã hội hóa giáo dục, huy động vốn đầu tư trong nước và ngoài nước để xây dựng các trường dạy nghề chất lượng cao, đi đôi với việc đổi mới trang thiết bị dạy học.
Bốn là, nâng cao thể lực, kỹ năng nhân lực. Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao thể lực cho toàn dân. Tích cực thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, đẩy lùi các bệnh truyền nhiễm; phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em; thực hiện các chương trình dinh dưỡng ngay tại cộng đồng. Tăng cường chế độ ăn uống giữa ca cho người lao động nhằm đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; cơ cấu dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cải thiện điều kiện lao động cho người lao động trong quá trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn. Hàng năm, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng mềm cho người lao động phù hợp với đường lối, chính sách, luật pháp về phát triển xã hội và phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ nâng cao nhận thức về ý thức, tác phong, kỷ luật để người lao động tự phấn đấu, hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn lao động của doanh nghiệp, phục vụ cho phát triển KT-XH của tỉnh Bắc Ninh.
ThS. Khổng Văn Thắng – Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh
Ghi chú:
(1) Khổng Văn Thắng, Đề án: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác Thống kê tại thành phố Bắc Ninh, Học viện Hành chính quốc gia Khu vực I, 2022.
(2) Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Thực trạng Lao động việc làm ở tỉnh Bắc Ninh, Nxb Thống kê, H.2002.
tcnn.vn
--- Bài cũ hơn ---
Luận Văn Chuyên Đề Đào Tạo Và Phát Triển Nguồn Nhân Lực Ở Việt Nam: Thực Trạng Và Giải Pháp
Ngành Điện Tp. Hồ Chí Minh Chú Trọng Nâng Cao Chất Lượng Nguồn Nhân Lực
Luận Văn Luận Văn Các Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng Đào Tạo Nguồn Nhân Lực Của Các Trường Trung Cấp Chuyên Nghiệp Trên Địa Bàn Tp. Hồ Chí Minh
Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng Đào Tạo Nguồn Nhân Lực Ngành In Tại Thành Phố Hồ Chí Minh
Một Số Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng Nguồn Nhân Lực Ngành May Tại Thành Phố Hồ Chí Minh Giai Đoạn 2005 2010