Tăng cường quản lý, có quy định cụ thể, siết chặt các hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân nâng cao hiểu biết phát luật, nhận thức và có ý thức cảnh giác cao trước những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng.
Phối hợp với các cơ quan chức năng, đưa ra xét xử lưu động, công khai các vụ việc vi phạm để phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa tội phạm cho quần chúng nhân dân.
Thông tư 64 sửa đổi: Bịt kẽ hở chính sách trong đấu tranh chống buôn lậu
Đầu tháng 7 năm nay, Thông tư liên tịch số 64 giữa Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an Bộ Quốc phòng quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm đáng chú ý là theo tinh thần thông tư, hàng hóa khi vận chuyển phải có hóa đơn chứng từ hợp lệ đi kèm nếu không sẽ coi là hàng lậu. Đây được coi là một công cụ hữu hiệu giúp công tác phòng chống buôn lậu hiệu quả hơn.
Nhiều xe hàng đã được lực lượng chức năng bắt giữ, qua kiểm tra thì toàn bộ các mặt hàng trên các xe đều có xuất xứ từ Trung Quốc và sử dụng hoá đơn quay vòng để tuồn vào thị trường Việt Nam.
Thực tế hoạt động này thời gian qua cho thấy, để qua mắt lực lượng chức năng, các chủ đầu nậu trên biên giới và trong nội địa có sự câu kết chặt chẽ, tạo thành các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu số lượng lớn. Bên cạnh đó, thủ đoạn sử dụng hóa đơn quay vòng, ghi giá trị hàng thấp khi nhập khẩu vẫn phổ biến.. Đến nay với thông tư 64 mới này thì thủ đoạn quay vòng hóa đơn của các đối tượng đã không còn cơ hội thực hiện.
Ông Ngô Thanh Tuấn – Phó đội Trưởng đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc, Cục ĐT Chống buôn lậu, Tổng cục HQ cho biết: Như trước kia có thể quay vòng được nhưng bây giờ thì không thể được với lý do là hóa đơn GTGT viết giữa DN thu mua gom tại cửa khẩu, bán xuất lại cho các chủ hàng trong nội địa và đấy là mua bán giữa người bán và người mua nhưng khi lực lượng chức năng yêu cầu thì đơn vị bán ra phải xuất trình hóa đơn, chứng từ gốc được biên phòng, hải quan chấp nhận mới được.
Một trong những điểm mới nữa đáng chú ý và được lực lượng chức năng cho rằng đã góp phần quan trọng và hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu đó là việc quy định thời gian trong thời hạn 24 giờ liên tục, kể từ thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ bản chính chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật thay vì 72 giờ như trước.
Ông Dương Xuân Sinh – Phó Chánh văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng cho hay: Trước đây thông tư 60 quy định thời gian xuất trình hóa đơn trong vòng 72h thì sẽ dẫn đến các đối tượng có thời gian sử dụng cái thời gian được trì hoãn đó để hợp thức hóa các hóa đơn chứng từ khi được các lực lượng chức năng kiểm tra và điều này đã được khắc phục triệt để trong thông tư 64.
Trên thực tế phải kiểm soát được hóa đơn, chứng từ mới kiểm soát và chống được hàng lậu chính vì vậy ngoài sự thuận lợi mà thông tư 64 mới đem lại cho công tác phòng chống buôn lậu, cũng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thì những chuyến hàng như thế này mới không dễ dàng trót lọt vào nội địa.
Ngành Hải quan triển khai cơ chế một cửa liên thông
Thực hiện Quyết định số 09 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, Tổng cục Hải quan vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố tổ chức rà soát lại việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại đơn vị. Nghiên cứu tổ chức xây dựng quy trình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đảm bảo giải quyết công việc nhanh chóng, rõ ràng, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức.
Các đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm trang thiết bị cần thiết cho mô hình một cửa, một cửa liên thông. Các cơ quan Hải quan phải thực hiện niêm yết công khai đầy đủ, kịp thời, rõ ràng các thủ tục hành chính theo đúng quy định, đảm bảo giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức.
Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại một cơ quan chuyên môn.