Câu hỏi của bạn khá hay nhưng rộng quá, để bạn có thể hiểu chi tiết cấu tạo của tiểu cầu và bạch cầu giúp chúng có khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình thì ghi rất là dài, mình sẽ nói tóm gọn lại những gì mình hiểu, hy vọng bạn cũng sẽ hiểu.
Đầu tiên chúng ta qua sơ lược về chức năng của hai loại tế bào này:
Tiểu cầu: là một loại tế bào trong máu chịu trách nhiệm chính đó là cầm máu, nó làm cho máu bị đông (hay còn gọi là vón cục) khi mạch máu bị tổn thương.
Bạch cầu: hay còn gọi là tế bào máu trắng chịu trách nhiệm cho việc bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của virus, các vật thể lạ xâm nhập vào máu qua vết thương hở, …v.v
Bây giờ mình sẽ đi chi tiết vào từng loại tế bào này,
Tiểu cầu
Một số thông tin chung mình nghĩ cũng hay về tiểu cầu có thể bạn muốn biết thêm:
Tiểu cầu được phát hiện vào năm 1882 bởi bác sĩ Bizzozero.
Tế bào tiểu cầu có kích thước nhỏ hơn hai loại khác đó là bạch cầu và hồng cầu, có đường kính khoảng 2 – 3 μm.
Một tế bào tiểu cầu có thể có vòng đời trung bình khoảng 10 ngày trước khi bị loại bỏ.
Trong mỗi µl (micrôlit) máu có khoảng từ 150.000 đến 450.000 tế bào tiểu cầu. Nếu lượng tế bào tiểu cầu lớn hơn khoảng này thì gọi là bệnh tăng tiểu cầu. Bạn có thể tìm kiếm thêm thông tin về bệnh này nếu như bạn muốn ^^.
Đặc điểm cấu tạo của tiểu cầu
Cấu trúc của một tế bào tiểu cầu bao gồm có 4 vùng lớn như sau:
Vùng ngoại biên: nơi tập hợp của các Glycoproteins đóng vai trò như các cơ quan thụ cảm bề mặt giúp cho tiểu cầu có thể dính chặt, hoạt hóa (hay còn gọi là phát động) và tập hợp.
Vùng sol-gel: nơi tập hợp các sợi vi ống (MT) làm khung đỡ giúp cho tiểu cầu có thể duy trì được hình dạng đĩa tròn có mặt lồi (giống như thấu kính hội tụ bạn đã học trong vật lý vậy)
Vùng chứa cơ quan: nơi tập hợp của các hạt $alpha$ (Gr), các hạt đặc (DB) và các ti thể (Mi):
Các hạt $alpha$ (Gr) chứa các nhân tố tham gia vào quá trình đông máu như nhân tố V, nhân tố VIII, fibrinogen, … làm cho tiểu cầu có thể kết dính lại.
Các hạt đặc (DB) chứa các ADP tạo năng lượng, Can-xi, Serotonin, … tham gia vào quá trình tập hợp của tiểu cầu.
Các ti thể (Mi): có hầu hết trong các loại tế bào trong cơ thể, nhiệm vụ chính là chuyển hóa năng lượng, điều hòa trao đổi chất trong tế bào, từ đó giúp tế bào tiểu cầu có thể sống.
Vùng màng tiểu cầu: nơi tập hợp của hệ thống các kênh mở (OCS), hệ thống các ống dày đặc (DTS) chịu trách nhiệm cho việc tổng hợp Can-xi và giải phóng thromboxane A2.
Để hiểu được cấu tạo và chức năng của từng thành phần trong tế bào tiểu cầu là cả một chân trời mênh mông kiến thức nữa mình không thể đưa hết vào đây được, cả bản thân mình cũng không thể “tiêu hóa” hết được. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm hãy mở một câu hỏi khác hẹp hơn, các bạn khác hoặc mình có thời gian nhất định sẽ giúp bạn.
Bạch cầu
Tế bào bạch cầu hay còn gọi là tế bào miễn dịch, tế bào bạch cầu rất đa dạng về hình thái cũng như chức năng cho nên kích thước của chúng cũng khác nhau và lớn hơn kích thước của tế bào hồng cầu.
Một tế bào bạch cầu có vòng đời tương đối ngắn, chỉ từ vài giờ đến một ngày, một số chỉ trong vài phút.
Chỉ có khoảng 5.000 đến 10.000 tế bào bạch cầu trong 1 µl máu.
Có một sự thật thú vị về tế bào bạch cầu là trong khi tế bào hồng cầu chỉ trôi dạt theo các mạch máu trong cơ thể thì tế bào bạch cầu có thể sử dụng các mạch máu như một “đường cao tốc” để đến nơi nó cần đến rồi chui ra khỏi “đường cao tốc” này và tóm lấy những kẻ xâm phạm hay mảnh vỡ.
Phân loại các tế bào bạch cầu,
Ảnh trên là đầy đủ về tất cả các loại tế bào bạch cầu, được chia theo hai nhóm chính. Trong sách giáo khoa thường không dạy hết các loại tế bào bạch cầu này, mình thấy chỉ có nhắc đến tế bào miễn dịch T thôi.
Đặc điểm cấu tạo chung của các tế bào bạch cầu:
Không có huyết sắc tố Hemoglobin
Có nhân và có khả năng sản sinh ra axít ribonucleic (ARN), tổng hợp Protein.
Hy vọng sẽ giúp ích được cho bạn…