Thứ ba – 27/10/2009 22:15
Giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp của Vĩnh Phúc đã phát triển với tốc độ nhanh, thu hút đầu tư mạnh mẽ, kinh tế phát triển rõ rệt, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Mặt trái của sự phát triển đó là vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải sinh hoạt ở các khu vực nông thôn, làng nghề.
Ở một số làng nghề như thị trấn Yên Lạc, các xã Tề Lỗ, Yên Đồng huyện Yên Lạc, rác và nước thải đang ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nhân dân. Nguồn nước, đất và không khí bị ô nhiễm đều vượt các chỉ tiêu cho phép…
Đầu thôn Vĩnh Tiên (thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc), ngay sát tỉnh lộ 305 mấy năm nay đã tồn tại 1 bãi rác khá lớn đổ bên lề đường, tràn cả ra mặt đường, với đủ các loại phế thải… Ngày nắng cũng như ngày mưa, bầu không khí nơi đây luôn được bao phủ một thứ mùi rất “đặc trưng” ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều hộ dân lân cận.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nhiều địa phương chưa có đội vệ sinh môi trường và chưa quy hoạch được bãi đổ rác tập trung, nên người dân vứt rác bừa bãi.
Bên cạnh những địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt thì cũng có không ít nơi có giải pháp hay để khắc phục tình trạng này, điển hình như thị trấn Thanh Lãng (huyện Bình Xuyên). Là một địa bàn rộng, đông dân cư, với 9 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 3 làng nghề mộc và mới đây phát triển thêm nghề làm nấm, mây tre đan, ươm tơ, nên lượng rác thải hàng ngày rất lớn. Trước đây, lề đường, cống rãnh biến thành bãi chứa rác thải cộng thêm nước thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân. Đầu năm 2006, HTX Vệ sinh môi trường Duy Tiến ra đời, rác thải được thu gom và xử lý kịp thời bằng phương pháp thủ công tại nơi quy định, đảm bảo đường làng ngõ xóm sạch đẹp, môi trường không bị ô nhiễm. Mặc dù đi vào hoạt động mới được vài năm, nhưng HTX đã thu hút được 12 xã viên, 20 lao động hợp đồng. Thanh Lãng đã mạnh dạn quy hoạch 3 ha đất hoang hoá làm bãi xử lý, chôn lấp rác thải; đồng thời đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hố chôn lấp và mở rộng tuyến đường, tạo điều kiện cho các phương tiện ra vào đổ rác. HTX đã thành lập mỗi thôn một tổ công tác thu gom rác ở ngõ ngách, hộ gia đình vào các buổi sáng trong ngày. Lượng rác thải được tập kết tại bãi rác cách xa khu dân cư để phân loại, xử lý. Đối với các loại rác nông nghiệp, rác sinh hoạt không độc hại thì đốt, loại rác có tính chất độc hại được chôn lấp đúng nơi quy hoạch. Rác thu gom đến đâu được xử lý ngay đến đó, tránh để lâu làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Để có kinh phí hoạt động, UBND thị trấn Thanh Lãng cho phép HTX dịch vụ môi trường thu phí vệ sinh trong dân theo quy định của UBND tỉnh.
Ngoài sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho UBND thị trấn Thanh Lãng để xây dựng nhà xử lý rác thải, đường điện vào khu vực trung tâm; hỗ trợ 14 xe chở rác, thùng đựng rác cho 11 thôn dân cư và hướng dẫn hợp tác xã sử dụng máy nghiền phân vi sinh; đồng thời tổ chức 2 lớp tập huấn cho 300 lượt người về kỹ thuật phân loại rác thải; thiết kế 24 panô về công tác vệ sinh môi trường; đồng thời đầu tư 980 triệu đồng xây dựng mới 900 mét rãnh nước có nắp đậy… Nhờ được tuyên truyền tốt, nên ý thức của người dân đã có sự đổi thay, hiện nay mỗi gia đình đều có thùng chứa rác đặt trước cửa.
Trở lại Thanh Lãng hôm nay, môi trường nông thôn đã được cải thiện, không còn tình trạng đổ rác bừa bãi lề đường. Người dân đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Mô hình HTX Dịch vụ Duy Tiến là cách làm hay, thực sự phát huy được hiệu quả, cần được nhân rộng để nhiều địa phương khác học tập và làm theo, góp phần cải thiện môi trường nông thôn trên địa bàn.
Để có giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, mới đây UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án hỗ trợ đầu tư thí điểm làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở nông thôn giai đoạn 2009-2010. Theo đó, tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí cấp tỉnh trong hai năm là 28,241 tỷ đồng, cấp huyện 1,62 tỷ đồng, cấp xã 1,08 tỷ đồng và huy động nhân dân 1,6 tỷ đồng. Khoản tiền này tập trung hỗ trợ cho 15 xã ô nhiễm trầm trọng nhất được chọn làm thí điểm xây dựng HTX Nông nghiệp và Dịch vụ môi trường. Bao gồm hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng thí điểm 2.700 hố tập kết và trung chuyển rác thải qui mô thôn, xã hoặc cụm xã; 80% kinh phí đầu tư cải tạo, sửa chữa 80km rãnh thoát nước; 100% kinh phí mua 3 xe ôtô tải ben loại 2,5 tấn phục vụ thu gom rác từ các điểm tập kết, trung chuyển của các xã về điểm xử lý chung. Hỗ trợ tiền công cho người làm dịch vụ, tiền độc hại cho người trực tiếp làm vệ sinh, tiền đóng góp bảo hiểm xã hội cho người trực tiếp làm vệ sinh và Ban Quản lý HTX nông nghiệp và dịch vụ môi trường; ngoài ra, tất cả 117 xã trong tỉnh đều được hỗ trợ 100% kinh phí tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ và giữ gìn vệ sinh môi trường cho cộng đồng…
Trong điều kiện tỉnh chưa xây dựng được khu tập kết, xử lý tái chế rác của toàn tỉnh, thiết nghĩ trước mắt mỗi xã cần xây dựng 1 bãi rác, mỗi thôn có 1 điểm trung chuyển, mỗi huyện quy hoạch 1 bãi xử lý tập trung. Khi tỉnh có bãi xử lý rác tập trung công suất lớn thì các bãi rác chính của các huyện sẽ là điểm trung chuyển của tỉnh; đồng thời, tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường, mỗi người dân, cơ sở sản xuất trong làng nghề cần nâng cao nhận thức và có hành động bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường; nhân rộng các điển hình, mô hình hay; vận động các hộ làm nghề gây ô nhiễm ở khu dân cư di dời ra các cụm công nghiệp, nhằm có điều kiện xử lý môi trường tốt hơn… có như vậy vấn nạn ô nhiễm môi trường nông thôn mới được khắc phục.
Tác giả bài viết: Trung tâm CNTT
Nguồn tin: www.vinhphuc.gov.vn