Một là hành vi pháp luật và hành vi đạo đức là những hành vi phổ biến nhất trong đời sống xã hội. Có thể nói, trong các hành vi xã hội của con người thì hành vi đạo đức và hành vi pháp luật chiếm tỉ trọng lớn nhất. Từ những xử sự trong gia đình, trường học cho đến các xử sự nơi làm việc hay khi tham gia vào bất cứ quan hệ xã hội nào, phần nhiều trong đó đều là những hành vi pháp luật, hành vi đạo đức.
Hai là hành vi pháp luật và hành vi đạo đức đều mang tính chất lịch sử xã hội. Qua mỗi thời kì lịch sử, con người có những hành vi khác nhau, cách thức thực hiện khác nhau, công cụ, phương tiện hỗ trợ khác nhau… Mặt khác, qua các thời kì lịch sử khác nhau, nội dung pháp luật và đạo đức cũng có sự thay đổi, bởi vậy, có hành vi thời kì này được coi là chúng tôi hành vi pháp luật nhưng thời kì khác lại không phải là hành vi pháp luật, có hành vi thời kì này là hành vi hợp pháp, thời kì khác lại bị coi là hành vi trái pháp luật. Điều này cũng hoàn toàn tương tự đối với hành vi đạo đức. Chẳng hạn, ở Việt Nam, trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá, tập trung, trong số hành vi pháp luật không có hành vi mua bán các loại chứng khoán; tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, hành vi này ngày càng trở nên phổ biến. Trước đây, để thực hiện hành vi kí kết hợp đồng, các chủ thể phải trực tiếp gặp gỡ nhau bàn bạc, thoả thuận, đi đến thống nhất và kí kết, ngày nay nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện kĩ thuật, hành vi “thương mại điện tử” dần trở thành quen thuộc với mọi người. Hai là chủ thể của hành vi
Chủ thể của hành vi pháp luật là người có năng lực hành vi pháp luật. Tùy từng hành vi pháp luật cụ thể, pháp luật có các quy định tiêu chuẩn năng lực cụ thể để thực hiện hành vi đó. Thông thường, một người được coi là có năng lực hành vi pháp luật khi có sự hoàn thiện về thể chất, đủ sức khỏe để thực hiện hành vi, có trạng thái thần kinh bình thường, nhận thức và điều khiển được hành vi của mình, đạt đến độ tuổi nhất định do pháp luật quy định.
Chủ thể của hành vi đạo đức cũng phải là người có năng lực hành vi đạo đức. Tuy nhiên, năng lực hành vi đạo đức xuất hiện rất sớm, nó xuất hiện ngay từ khi con người thực hiện những hành vi có ý thức đầu tiên. Khi em bé bắt đầu biết nhận thức về những phạm trù đạo đức sơ đẳng nhất là lúc hành vi của nó được xem xét, đánh giá dưới góc độ đạo đức, theo phương châm “tre non dễ uốn” (trúc nộn dị kiểu). Như vậy, đạo đức điều chỉnh hành vi không kể tuổi tác của con người.
Ba là giới hạn của hành vi pháp luật và hành vi đạo đức
Có thể nói hành vi của con người phần lớn chịu sự điều chỉnh của pháp luật và đạo đức. Đối với mỗi người, cho dù ở đâu, bao giờ, khi nào cũng luôn phải chú ý đối nhân, xử thế sao cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức cũng như pháp luật. Xã hội “không thể một ngày thiếu pháp luật”,(4) nói cách khác, pháp luật chi phối hành vi hàng ngày của con người. Đạo đức là yếu tố tinh thần không thể tách rời hành vi của con người, không thể thiếu được trong đời sống của mỗi con người. Chính vì vậy, việc xác định ranh giới giữa hành vi pháp luật và hành vi đạo đức là hết sức khó khăn.
Trước hết, cần nhấn mạnh rằng việc xác định hành vi cụ thể là hành vi pháp luật hay hành vi đạo đức chỉ có ý nghĩa tương đối. Cùng hành vi, xét theo hệ thống pháp luật này là hành vi pháp luật nhưng xét theo hệ thống pháp luật khác có thể không phải là hành vi pháp luật. Điều này là do các hệ thống pháp luật được xây dựng trên nền tảng kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá, đạo đức, truyền thống, tín ngưỡng… khác nhau, vì vậy, nội dung cũng như cách thức tác động của chúng đến các quan hệ xã hội là khác nhau. Chẳng hạn, theo pháp luật phong kiến Việt Nam, hành vi sinh con thứ ba trở lên không phải là hành vi pháp luật, tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, hành vi này bị coi là vi phạm pháp luật.(5) Đối với hành vi đạo đức, điều này cũng hoàn toàn tương tự. Xét theo hệ thống pháp luật hay nền đạo đức nhất định, hành vi cụ thể có thể chỉ là hành vi pháp luật hoặc chỉ là hành vi đạo đức; có thể vừa là hành vi pháp luật vừa là hành vi đạo đức và cũng có thể không phải hành vi pháp luật cũng không phải hành vi đạo đức. Có những hành vi được pháp luật điều chỉnh nhưng đạo đức không điều chỉnh chúng, nói cách khác, chúng chỉ là hành vi pháp luật mà không phải là hành vi đạo đức. Những hành vi thực hiện quy trình kĩ thuật do pháp luật quy định, những hành vi thực hiện trình tự, thủ tục pháp lí… chỉ là hành vi pháp luật. Ngược lại, có những hành vi được đạo đức điều chỉnh nhưng pháp luật không điều chỉnh, những hành vi thể hiện tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, thăm hỏi nhau lúc ốm đau, giúp đỡ nhau bằng công sức, tiền bạc; những hành vi thể hiện tinh thần, tương thân, tương ái giữa con người với nhau trong cộng đồng… chỉ có thể là hành vi đạo đức.
Nhìn chung, những hành vi được pháp luật điều chỉnh thì thường cũng được đạo đức điều chỉnh, do vậy mà sự chồng lấn giữa hành vi pháp luật và hành vi đạo đức là rất lớn. Nội dung những quy định cụ thể của pháp luật và đạo đức có thể thống nhất hoặc mâu thuẫn nhau, nói cách khác, sự điều chỉnh của pháp luật và đạo đức có thể là thuận chiều cũng có thể là ngược chiều. Chính vì thế, hành vi nhất định có thể vừa hợp pháp vừa hợp đạo đức; hợp pháp nhưng không hợp đạo đức; hợp đạo đức nhưng không hợp pháp; vừa không hợp pháp vừa không hợp đạo đức. Chẳng hạn, theo các chuẩn mực pháp luật và đạo đức hiện hành ở Việt Nam, những hành vi của cha mẹ trong việc nuôi dạy, chăm sóc con cái vừa hợp pháp, vừa hợp đạo đức. Theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1985, việc cha mẹ không tố giác hành vi phạm tội do con mình thực hiện bị coi là vi phạm pháp luật(6) nhưng xét về mặt đạo đức, hành vi này có thể được coi là phù hợp đạo đức xã hội. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong xã hội, bên cạnh các quan niệm, quan điểm, quy tắc đạo đức chung của toàn xã hội còn có đạo đức của các giai cấp, tầng lớp; đạo đức của các tôn giáo; đạo đức của các thiết chế xã hội… trong đó các quan niệm, quan điểm, quy tắc đạo đức này chưa hẳn đã thống nhất, đồng bộ với nhau. Bởi vậy, hành vi cụ thể có thể là hợp chuẩn đối với hệ thống đạo đức này nhưng lại có thể lệch chuẩn đối với hệ thống đạo đức khác. Tất nhiên, đạo đức chung của toàn xã hội, đạo đức của giai cấp cầm quyền vẫn có sức chi phối mạnh mẽ nhất đối với hành vi của các thành viên trong xã hội.
Trong giới hạn nào đó, hành vi con người có thể vừa là hành vi pháp luật, vừa là hành vi đạo đức nhưng vượt ra ngoài giới hạn đó thì chỉ là hành vi đạo đức. Chẳng hạn, trường hợp gặp người bị nạn, pháp luật chỉ buộc chủ thể phải thực hiện hành vi cứu giúp, tức là làm cho người đó thoát khỏi sự nguy hiểm đến tính mạng, trong khi đó, đạo đức đòi hỏi rộng hơn nhiều, nó không chỉ yêu cầu chủ thể phải thực hiện hành vi giúp người bị nạn thoát khỏi sự nguy hiểm đến tính mạng mà còn đòi hỏi chủ thể phải có những những hành vi giúp đỡ về vật chất cũng như về tinh thần khác. Trong trường hợp này, hành vi đưa người đang chới với giữa dòng nước chảy xiết vào bờ, đưa người bị tai nạn giao thông vào bệnh viện cấp cứu… vừa là hành vi pháp luật, vừa là hành vi đạo đức nhưng những hành vi như giúp đỡ tiền bạc, động viên, an ủi, đưa về nhà chăm sóc… không còn là hành vi pháp luật, nó chỉ còn được đánh giá về mặt đạo đức. Ngược lại, hành vi nhất định nào đó có thể được đánh giá về mặt đạo đức không phụ thuộc vào tính chất và mức độ nhưng hành vi này chỉ bị đánh giá về mặt pháp luật khi tác động, ảnh hưởng ở mức độ nhất định đối với đời sống xã hội. Chẳng hạn, hành vi nói dối, hành vi “sống thử”, “sống gấp”… luôn bị đánh giá về mặt đạo đức. Tuy nhiên, những hành vi này chỉ được đánh giá về mặt pháp luật trong những trường hợp nhất định.(7) Hành vi gây thiệt hại cho xã hội chỉ trở thành đối tượng của pháp luật khi thiệt hại mà nó gây ra ở mức độ nào đó. Người ta không cần xử lí bằng pháp luật đối với hành vi trộm cắp những tài sản nhỏ nhặt.
Pháp luật chỉ điều chỉnh các hành vi xã hội đã tồn tại một cách khách quan, phổ biến, điển hình, ổn định ở mức độ nhất định, còn đạo đức do tính chất mềm dẻo và linh động, nó điều chỉnh các hành vi xã hội ngay từ khi nó mới manh nha hình thành. Chẳng hạn, những hành vi mang thai hộ; cho, nhận trứng, tinh trùng, các bộ phận trên cơ thể người; hiến xác hoặc các bộ phận trên cơ thể sau khi chết… đầu tiên xảy ra trong đời sống được đánh giá về mặt đạo đức… Nhưng những hành vi này chỉ trở thành hành vi pháp luật khi đã trở nên phổ biến và ổn định tương đối. Tóm lại, cả pháp luật và đạo đức đều không thể điều chỉnh tất cả các hành vi con người. Pháp luật chỉ có thể điều chỉnh những hành vi thể hiện lí trí, ý chí của chủ thể, trong khi đó, đạo đức điều chỉnh cả những hành vi chịu sự chi phối bởi tình cảm của con người.
Bốn là cơ chế tâm lí của hành vi
Như đã đề cập, hành vi của con người là hành vi có ý thức, bởi vậy, đánh giá hành vi pháp luật và hành vi đạo đức của con người không chỉ xem xét biểu hiện bên ngoài của nó mà còn cần phân tích cơ chế tâm lí của chúng. Cơ chế tâm lí của hành vi pháp luật và hành vi đạo đức là quá trình rất phức tạp, nó bao gồm việc hình thành động cơ hành vi, lựa chọn và quyết định phương án hành vi, hiện thực hoá hành vi, tự đánh giá về hành vi đã thực hiện.
Khi ở vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, trên cơ sở sự hiểu biết của chủ thể cũng như thái độ, tình cảm của bản thân đối với pháp luật cũng như đạo đức xã hội, từ vốn sống, nhân cách, từ sự hiểu người, hiểu mình, sự ý thức về vị trí và vai trò của bản thân mình, xuất phát từ tình cảm của cá nhân về đối tượng của hành vi, trên cơ sở sự dự liệu về những hậu quả có thể phải gánh chịu cũng như thái độ của bản thân đối với những hậu quả đó… (gọi chung là ý thức cá nhân bao gồm tri thức, tình cảm, ý chí, động cơ, mục đích…), chủ thể tự lựa chọn cho mình phương án hành vi cụ thể. Sau khi đã quyết định lựa chọn phương án xử sự cụ thể, chủ thể hiện thực hoá sự lựa chọn đó bằng cách tiến hành hoặc không tiến hành những thao tác, cử chỉ, lời nói nhất định. Sau khi hành vi được thực hiện, các chủ thể thường có sự tự đánh giá về nó. Khi đó, về mặt tâm lí, chủ thể có thể thoả mãn, bằng lòng, hưng phấn hoặc ngược lại là sự ăn năn, ân hận, sợ hãi… Trong toàn bộ cơ chế này, các yếu tố lí trí, ý chí, tình cảm, thói quen… giữ vai trò khác nhau đối với mỗi loại hành vi.
Đối với hành vi đạo đức, yếu tố tình cảm, yếu tố thói quen đóng vai trò rất quan trọng. Có thể nói, tình cảm là yếu tố quan trọng nhất đối với hành vi đạo đức. Nếu không có tình cảm đạo đức thì các khái niệm đạo đức, các phạm trù luân lí, những tri thức thu được về thiện ác, công bằng, lương tâm, danh dự… chỉ được nhận thức ở mức độ ghi nhận thông tin mà không có cơ sở để chuyển hoá thành động cơ của hành vi. Bằng tình cảm đạo đức, chủ thể không cần phải do dự khi lựa chọn hành vi cần thực hiện đồng thời lại tích cực, say mê thực hiện hành vi với quyết tâm cao độ… Yếu tố tình cảm chi phối, ảnh hưởng đến tất cả các giai đoạn trong diễn biến tâm lí của hành vi, từ việc hình thành động cơ cho đến sự tự đánh giá về hành vi của mình. Nhiều khi, tình cảm còn làm con người “mất” lí trí, thực hiện hành vi không có sự kiểm soát của lí trí. Xuất phát từ vai trò quan trọng của yếu tố tình cảm đối với hành vi đạo đức, cho nên khi đánh giá về hành vi đạo đức, người ta không chỉ đánh giá sự phù hợp hay không phù hợp về hình thức của hành vi đối với các chuẩn mực đạo đức xã hội. Bởi vậy, có những hành vi mặc dù về hình thức là phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội nhưng vẫn bị chê cười, bị coi là giả tạo, là “chơi ngông”… Trong khi đó, đối với hành vi pháp luật, yếu tố lí trí, ý chí lại thể hiện vai trò quan trọng hơn, bởi vậy, trong việc đánh giá hành vi pháp luật, chỉ cần đánh giá về lí trí và sự tự do ý chí mà thôi.
Có thể nói, đạo đức là yếu tố điều chỉnh gần gũi nhất đối với hành vi con người. Chính vì thế, những quan niệm, quan điểm, tư tưởng đạo đức được truyền bá hết sức sâu rộng trong xã hội, bởi vậy, nó đã ăn sâu, bám rễ một cách chắc chắn trong mỗi người, nó chi phối hoạt động hàng ngày, hàng giờ của con người. Nhiều hành vi đạo đức vì thế đã trở thành tập quán, truyền thống của cộng đồng, thậm chí có những hành vi đạo đức đã trở thành vô thức, chúng xảy ra tự động ngay cả khi không có sự điều khiển của ý thức.
Năm là biện pháp tác động đến hành vi
Để đạt được mục đích điều chỉnh, pháp luật và đạo đức có những phương pháp, cách thức tác động riêng, mang tính đặc thù. Hành vi pháp luật chịu sự tác động bởi các biện pháp nhà nước. Tuỳ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, nhà nước có thể sử dụng một hoặc kết hợp các biện pháp khác nhau, từ tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, đến khen thưởng, xử phạt. Thực hiện sự tác động này, nhà nước có bộ máy chuyên môn với đầy đủ sức mạnh được tổ chức từ trung ương xuống địa phương. Để đảm bảo tăng cường hành vi hợp pháp, giảm thiểu hành vi trái pháp luật, khi cần thiết, nhà nước có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế đã được quy định, gây ra những bất lợi về vật chất, tinh thần, thậm chí cả tính mạng đối với người vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tất cả những biện pháp tác động của nhà nước đều chỉ là sự tác động từ bên ngoài đối với chủ thể, nó chỉ được thực hiện trong hiện tại và chỉ có hiệu lực trong thời gian nhất định.
Trong khi đó, tác động đến hành vi đạo đức chủ yếu và trước hết là biện pháp giáo dục, thuyết phục, nói cách khác, thông qua sự tác động vào ý thức chủ thể mà tác động đến hành vi đạo đức của họ. Thông qua gia đình, nhà trường, các thiết chế xã hội, thông qua giao tiếp hàng ngày, thông qua con đường tự ý thức, tự đánh giá… những chuẩn mực đạo đức xã hội tác động đến ý thức chủ thể, được chủ thể tiếp thu, hấp thụ, được nội tâm hoá trở thành tri thức, tình cảm, nghĩa vụ, trách nhiệm đạo đức của họ. Trên cơ sở đó, mỗi người tự xây dựng phương châm ứng xử cho mình trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, tự nguyện, tự giác thực hiện hành vi theo yêu cầu, đòi hỏi của các chuẩn mực đạo đức xã hội. Bên cạnh đó, dư luận xã hội là biện pháp tác động hết sức mạnh mẽ đến hành vi đạo đức của các chủ thể. Dư luận xã hội tác động đến chủ thể hàng ngày, hàng giờ, ở mọi nơi, mọi lúc, diễn ra lâu dài, dai dẳng, thậm chí trở thành “bia miệng ngàn năm”. Sự xấu hổ và lòng tự trọng khiến không ai có thể bỏ qua dư luận xã hội, đặc biệt đối với những người trọng danh dự thì sự tác động của dư luận càng trở nên có hiệu quả.